Thái Nguyên có thêm 53 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Chè Tân Cương được người tiêu dùng ưa chuộng.Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Chè Tân Cương được người tiêu dùng ưa chuộng.Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Sau hai năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Thái Nguyên có 129 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Riêng năm 2021, tỉnh công nhận 53 sản phẩm; trong đó, có 22 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao.

Thái Nguyên có thêm 53 sản phẩm đạt chuẩn OCOP ảnh 1 Chè Tân Cương được người tiêu dùng ưa chuộng.Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Trong số các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn năm 2021, Thái Nguyên có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao như: cao hươu, thịt hươu sấy, dầu lạc, dầu đậu nành, nấm tuyết, nấm linh chi sừng hươu hữu cơ; hoặc một số sản phẩm văn hoá độc đáo, tinh tế như hai bộ trang phục nam, nữ truyền thống của dân tộc Dao; một số sản phẩm trà đặc sản cao cấp… Các sản phẩm đạt chuẩn được ban tổ chức chọn lựa, đánh giá theo nhiều tiêu chí khắt khe như: tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng của sản phẩm; chỉ tiêu dinh dưỡng; tính độc đáo; kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, phân tích mẫu sản phẩm.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, vừa qua Thái Nguyên có 2 sản phẩm OCOP được Trung ương công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt và sản phẩm miến của Hợp tác xã Miến Việt Cường. Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có thêm 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Theo đánh giá của người dân và các đơn vị có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, người tiêu dùng ưa chuộng, doanh số bán hàng tăng so với trước.

Để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP, Thái Nguyên đang thực hiện cơ chế hỗ trợ sản phẩm OCOP đạt 3 sao với mức 20 triệu đồng/sản phẩm, đạt 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm và đạt 5 sao được hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, tổ chức phát triển, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, siêu thị, chuối thực phẩm sạch, chợ truyền thống.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện Chương trình OCOP, như hỗ trợ kinh phí đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn chương trình OCOP; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất theo quy định, hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm