Thạch Yêu - Chàng trai Khmer giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Những vật dụng do Thạch Yêu thiết kế tỉ mỉ. Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn
Những vật dụng do Thạch Yêu thiết kế tỉ mỉ. Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn

Với mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chàng thanh niên Khmer Thạch Yêu (23 tuổi), ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực học nghề, mở một cửa hàng đồ truyền thống để đáp ứng nhu cầu đồng bào.

Thạch Yêu - Chàng trai Khmer giữ gìn nét văn hóa truyền thống ảnh 1Những vật dụng do Thạch Yêu thiết kế tỉ mỉ. Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn

Thạch Yêu sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ sớm đã đi phụ việc ở một cửa hàng trang phục truyền thống ở địa phương. Những ngày tháng phụ việc đã khiến chàng thanh niên trẻ sớm hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về nét đẹp, ý nghĩa của từng bộ trang phục, các vật phẩm thực hành tín ngưỡng truyền thống trong nét văn hóa của đồng bào Khmer. Từ đây, anh đã nuôi dưỡng quyết tâm học nghề với mong muốn kế thừa và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Thạch Yêu cho biết: Ngày trước, mỗi lần đi lễ theo phong tục của đồng bào thì gia đình thường phải đi sắm các loại đồ dùng, trang phục nhưng ở địa phương rất ít cửa hàng bán những món đồ này. Thêm vào đó, đời sống hiện đại cũng khiến nghề may trang phục truyền thống của đồng bào Khmer dần mai một. Những người có kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, mắt yếu không thể giữ nghề. Anh mong muốn học hỏi để mở cửa hàng bán trang phục truyền thống và vật phẩm cần thiết cho người dân, tạo thu nhập cho bản thân, đồng thời cũng là kế thừa, lưu giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa.

Với niềm ấp ủ đó, năm 2018, Thạch Yêu đã sang Campuchia để học nghề thiết kế trang phục và tổ chức lễ hội truyền thống. Tại đây chàng trai trẻ đã tích lũy được nhiều kiến thức từ những điều căn bản nhất của việc thiết kế một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Khmer; các quy tắc thiết kế trang phục cũng như vật phẩm phục vụ thực hành văn hóa tính ngưỡng theo đúng nét phong tục, tập quán, lễ hội của dân tộc mình.

Trở lại quê hương sau 2 năm học tập, với số vốn tích lũy được là hơn 100 triệu đồng, Thạch Yêu quyết định mở cửa tiệm chuyên cung cấp đồ trang phục truyền thống Khmer. Với đồng bào Khmer, trong năm có nhiều ngày lễ trọng đại như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sel Dolta, lễ hội cúng trăng Ok Om Bok, lễ Dâng y Kathina... Vào các ngày lễ, người dân rất cần có những bộ trang phục truyền thống và các vật phẩm để thực hành nghi lễ. Mỗi dịp lễ như thế, cửa hàng của Thạch Yêu luôn hoạt động hết công suất từ nhiều tháng để kịp tư vấn, cung cấp trang phục, đồ dùng phù hợp nhu cầu của khách như cà sa, hộp đựng y, cây bông.... Cũng từ đó, Thạch Yêu hướng dẫn lại cho một số người dân ở địa phương để hỗ trợ thêm các công đoạn phụ như đính hạt lên hộp đựng y, kết hoa cho cây bông...

Thạch Yêu cho biết, việc thiết kế vật phẩm phục vụ lễ và trang phục truyền thống đòi hỏi người làm phải hiểu biết về phong tục, tập quán của đồng bào Khmer. Người làm cũng phải có ý tưởng để làm mới, sáng tạo để phù hợp với nhu cầu của khách nhưng vẫn giữ được những quy chuẩn đặc trưng. Hơn hết, người làm nghề này phải chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ từng chi tiết mới có thể làm ra những sản phẩm tinh tế, bắt mắt, thu hút khách hàng. Việc thiết kế các vật phẩm cho nghi lễ được xem là tương đối đơn giản, đôi khi chỉ mất một vài ngày. Công việc khó khăn nhất vẫn là thiết kế trang phục. Nét đẹp nổi bật trong trang phục truyền thống của người Khmer là y phục lễ cưới. Thạch Yêu đã cho ra mắt nhiều bộ trang phục cưới với kiểu dáng đẹp, cách điệu độc đáo thông qua việc đính hạt cườm, kim sa tinh tế, lấp lánh. Tùy theo độ tinh xảo của bộ trang phục cưới mà người thợ phải mất từ 2-3 tháng, đôi khi mất từ 6 tháng đến 1 năm để thực hiện tất cả các khâu từ dệt vải, lên ý tưởng thiết kế, may và trang trí hoa văn bằng thủ công.

Thạch Yêu chia sẻ: Làm nghề này bên cạnh năng khiếu thì đòi hỏi phải có đam mê, nhẫn nại vì mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể hoàn thành một sản phẩm. Với đồ cưới cô dâu, sau khi phác thảo kiểu dáng, hoa văn cho khách lựa chọn thì anh sẽ gửi mẫu sang Campuchia để dệt vải. Sau đó, vải được vận chuyển về Việt Nam để cắt may, đính hạt, trang trí. Đặc biệt, công đoạn trang trí hoa văn phải kết cườm, đính kim sa đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỳ công và được thực hiện hoàn toàn thủ công. Nếu không đam mê thì khó có thể ngồi nhiều ngày liền, đính kết từng hạt vào trang phục...

Phục vụ đồng bào bằng tất cả sự sáng tạo, nỗ lực, cửa hàng của Thạch Yêu hiện đã thu hút nhiều khách hàng không chỉ ở địa phương mà còn từ các tỉnh bạn như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Anh cũng kiêm thêm trang điểm cho các cô dâu Khmer trong ngày cưới để góp phần mang đến nét đẹp trọn vẹn, qua đó tôn thêm giá trị của những bộ trang phục cưới truyền thống của dân tộc mình.

Đối với Thạch Yêu, đam mê, gắn bó với nghề không chỉ vì đây là công việc giúp anh có thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Chàng trai trẻ bày tỏ: Anh mong muốn thế hệ trẻ cùng gìn giữ, phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Do đó, khi người dân địa phương có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi thì anh rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để có thể cùng nhau bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào Khmer.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm