Hơn 810 người bán vé số, trong đó phần lớn là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em trở về các tỉnh miền Trung đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất cùng gia đình.
Tặng quà Tết cho người bán vé số về quê sum họp gia đình đón Tết Mậu Tuất 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Để, 68 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, tỉnh Phú Yên có nhiều cảm xúc vui buồn đan xen khi về quê đón Tết cùng gia đình. Bà buồn vì nhớ lại cảnh những tháng trước các đợt mưa lũ đã cuốn trôi tất cả tài sản trong gia đình theo dòng nước, trong đó có cả con bò và tất cả lúa vừa thu hoạch từ ruộng về. Không còn gì để sinh nhai, hơn 2 tháng trước, người chồng 73 tuổi đau ốm phải ở lại trông nhà, bà Để cùng người cha gần 90 tuổi và người cháu 52 tuổi vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số. Ba người cùng ở trong một phòng trọ chật hẹp tại Quận 5. Hàng ngày, bà đi bán vé số ở các quận xa, trong khi cháu gái đẩy xe lăn đưa cha bà đi bán vé số ở khu vực gần nơi ở. Bà Để chia sẻ: Mới vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số nên không có tiền mua vé xe về quê đón Tết, cả ba người đều nghĩ sẽ phải đón Tết này xa xứ. Nhờ những người bán vé số cảm thông với hoàn cảnh của bà nên giới thiệu về chương trình hỗ trợ người bán vé số về quê, may mắn là cả 3 người đều được hỗ trợ về quê đón Tết cùng người thân. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Tám vừa xúc động khi được đưa về quê đón Tết Nguyên đán, vừa xót xa vì gia đình không được sum họp đầy đủ tại quê nhà ở tỉnh Quảng Ngãi. 4 người trong gia đình ông Tám vào Thành phố Hồ Chí Minh gần 4 năm nay. Hàng ngày, ông đi bán vé số, vợ ông bán hàng rong nuôi con gái lớn học cao đẳng, con trai học cấp 2. Những năm qua, đời sống khó khăn nên gia đình ông không về quê đón Tết. Năm nay, được hỗ trợ xe về quê nhưng chỉ có ông và con gái lớn về, còn vợ và con trai ở lại vì nếu cả gia đình về quê thì sau Tết không đủ tiền vé xe vào lại Thành phố. Khi ông và con gái lên xe, vợ ông cứ nhét tiền vào tay ông bảo mang về nhà mua bánh kẹo đón khách trong dịp Tết, còn ông cứ nhét lại tiền vào tay vợ bảo để dành hai mẹ con ở lại dùng trong những ngày Tết; trong khi đó, đứa em trai cứ ôm tay chị bịn rịn không muốn rời xa. Rơm rớm nước mắt, ông Tám cho biết: "Để vợ và con nhỏ ở lại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết, tôi không đành lòng nhưng tôi phải về để xem nhà cửa, chỗ nào bị hư thì sửa lại chứ đi làm, bỏ nhà trống lâu rồi. Tôi mong muốn năm tới chương trình lại tiếp tục hỗ trợ để tôi phấn đấu làm ăn, dành đủ tiền cho cả gia đình được sum họp tại quê nhà trong dịp Tết". Đã 8 năm qua, bà Bùi Thị Ánh Dung cùng các cháu không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, trong buổi lên xe để về quê, bà luôn ôm chặt các cháu của mình với khuôn mặt thấm đẫm nước mắt vì xúc động. Từ vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2010, khi các con đã lớn và lo cho gia đình riêng, bà Dung vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số để tự lo cuộc sống bản thân, vài năm bà lại về quê để chăm cho các con sinh cháu. 8 năm trước, khi các cháu đã lớn mà các con bà vẫn còn bươn chải lo cho cuộc sống, bà quyết định đưa 3 người cháu của mình vào Thành phố Hồ Chí Minh ăn học bằng tiền bán vé số và giúp việc nhà của bà. Năm 2014, trong một lần giúp việc tại quán ăn, một người phụ nữ nhờ bà Dung bồng giúp đứa con 3 tháng tuổi để đi mua sữa rồi không quay trở lại. Thương bé gái còn nhỏ đã bị bỏ rơi, bà nhận về nuôi, đứng ra làm giấy khai sinh cho cháu, xem như cháu ruột của mình. Từ đó,bà càng cố gắng làm việc để lo cho 4 người cháu được ăn học đầy đủ. Chia sẻ về niềm vui được hỗ trợ về quê đón Tết, bà Ánh Dung cho biết: "Mỗi lần Tết đến, thấy người ta trang hoàng nhà cửa, gia đình sum họp, ăn uống linh đình vui vẻ, trong khi bản thân mình vẫn phải đi bán vé số, đi phụ việc nhà dành dụm từng đồng nuôi các cháu, xa quê hương, xa con cái, tôi cảm thấy tủi thân lắm nhưng vì các cháu nên vẫn phải gạt nước mắt để tiếp tục kiếm sống mưu sinh. Năm nay, được hỗ trợ xe nên 5 bà cháu cùng nhau về quê đón Tết, cho các cháu gặp cha mẹ, tôi được thăm bà con họ hàng". Lặng lẽ đứng một góc đợi mọi người lên xe rồi anh Võ Ngọc Tuấn mới từ từ đi lên xe sau cùng, chọn ngồi ở dãy ghế cuối như thói quen của anh trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, trong lúc đứng đợi sắp xếp xe về từng tỉnh, anh Tuấn vẫn đứng đợi ngoài nắng mặc dù nhiều người nhắc anh vào trong mát đứng đợi, anh chỉ cười bảo đi bán vé số chịu nắng cả ngày quen rồi. Chỉ cao gần 1 m, không đủ sức để làm việc nặng nhọc nên anh Tuấn quyết định rời tỉnh Quảng Ngãi vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số kiếm sống gần 13 năm nay. Hàng ngày, anh đi bán vé số từ 4 giờ sáng tại ngoại ô Thành phố như Quận 9, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, có khi đi đến các tỉnh Long An, Bình Dương. Nhiều lần anh bị người ta hỏi mua vé số rồi đạp ngã, giật tất cả vé số trên tay anh bỏ chạy nhưng anh vẫn cố gắng đi bán hàng ngày, dành dụm tiền mua vé xe về quê đón Tết cùng người thân. Thông qua đại lý bán vé số giới thiệu, anh Tuấn được hỗ trợ xe đưa về quê đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất cùng gia đình. Anh Tuấn tâm sự: "Được hỗ trợ về quê, tôi cảm thấy rất vui vì được quan tâm, chia sẻ, nhất là đối với người khuyết tật như tôi. Không phải mua vé xe, tôi dành số tiền này để về quê giúp đỡ gia đình mua thêm thức ăn để đón Tết, ở bên gia đình lâu hơn, đến khoảng mùng 10 thì vào lại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mưu sinh". Đối với ông Nguyễn Hữu Thành, bán vé số ở quận Bình Tân, việc được hỗ trợ về quê đón Tết cùng gia đình là niềm vui lớn. Trước đó, ông gom tất cả tiền dành dụm trong năm thì chỉ đủ tiền mua 2 vé xe về Quảng Ngãi và vào trở lại nên ông để vợ và con về quê đón Tết, còn mình ở lại tiếp tục bán vé số trong những ngày Tết kiếm thêm thu nhập. Qua lời thiệu của đại lý vé số, ông Thành đăng ký chương trình và may mắn được hỗ trợ xe về quê. Với niềm vui rạng ngời trong đôi mắt, ông Hữu Thành chia sẻ: "Tôi cứ nghĩ mình sẽ ở lại một mình tại Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số trong những ngày Tết, rồi bất ngờ được về quê sum họp cùng vợ con trong những ngày đầu năm tại quê nhà. Cùng gia đình cúng ông bà, tổ tiên và đón khách đến nhà chúc Tết, đó là một hạnh phúc lớn lao đối với gia đình tôi". Ngày Tết Nguyên đán, những người con xa quê đều mong muốn được trở về quê hương sum họp bên gia đình, người thân đón năm mới để tạm thời quên đi một năm vất vả, cực nhọc, nhất là đối với những mảnh đời cơ cực, bất hạnh. Những chuyến xe mang nặng nghĩa tình không chỉ đưa những người bán vé số về bên gia đình mà còn mang đến cho họ niềm tin, niềm lạc quan để có thể tiếp tục phấn đấu làm việc, mưu sinh, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai./.
Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN