Tết Nhâm Dần 2022: Đồng bào vùng cao Lai Châu chuẩn bị đặc sản phục vụ Tết

Các mặt hàng đặc sản như thịt trâu sấy, lợn sấy, lạc xưởng của Lai Châu rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Các mặt hàng đặc sản như thịt trâu sấy, lợn sấy, lạc xưởng của Lai Châu rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Thời điểm này còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thịt sấy khô trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tất bật sản xuất để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đồng bào dân tộc Thái Lai Châu có rất nhiều phong tục độc đáo, trong đó phải kể đến các món ăn ẩm thực. Nói đến ẩm thực của người Thái rất phong phú và mang đậm bản sắc riêng, từ cơm nhuộm màu đến các loại bánh, xúc xích, thịt tái chua... nhưng hấp dẫn và đặc biệt hơn cả là món thịt sấy, thịt ba chỉ hun khói, lạp xưởng. Đây là những món ăn truyền thống có từ lâu đời của người Thái và thường không thể thiếu trong những ngày Tết đến Xuân về.

Tết Nhâm Dần 2022: Đồng bào vùng cao Lai Châu chuẩn bị đặc sản phục vụ Tết ảnh 1Các mặt hàng đặc sản như thịt trâu sấy, lợn sấy, lạc xưởng của Lai Châu rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Thịt sấy là món ăn truyền thống có từ lâu của đồng bào Thái với vị cay cay của ớt và gừng, thơm lừng của tỏi, mắc khén quyện vào từng thớ thịt được sấy trên bếp nhiều giờ… Thịt sấy thành phẩm tạo được sự khác biệt với các món ăn khác, hấp dẫn người thưởng thức ngay từ những phút đầu tiên và nhớ mãi không quên. Bởi thế, thịt sấy trở thành món ăn đặc sản, thơm ngon nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Từ đó, nghề làm thịt sấy khô đã trở thành nghề mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở Lai Châu.

Ghé thăm cơ sở sản xuất thịt sấy Ninh Sớp của gia đình bà Đèo Thị Sớp và ông Pờ Văn Ninh, dân tộc Thái ở Tổ 9, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, chúng tôi thấy đâu đâu cũng có thịt sấy, thịt được phơi từ ngoài sân đến trong bếp của gia đình. Những công nhân ở đây rất bận rộn, luôn chân luôn tay từ lọc thịt đến ướp thịt rồi đem phơi nắng và sấy. Được tận mắt chứng kiến các khâu trong quy trình làm thịt sấy, chúng tôi thấy sản phẩm thịt sấy của gia đình bà Sớp phơi, bảo quản cẩn thận, tỷ mỷ, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Tết Nhâm Dần 2022: Đồng bào vùng cao Lai Châu chuẩn bị đặc sản phục vụ Tết ảnh 2Các mặt hàng đặc sản như thịt trâu sấy, lợn sấy, lạc xưởng của Lai Châu rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Bà Sớp cho biết, gia đình bà làm thịt sấy từ năm 2000. Những năm gần đây, món ăn này được người dân cả nước ưa chuộng. Năm nay, thị trường thịt sấy sôi động sớm. Những năm trước phải đến những tháng giáp Tết Nguyên đán, lượng khách đặt hàng mới tăng cao, năm nay ngay từ tháng 7 âm lịch đã có đông khách đặt hàng.

Bình quân mỗi ngày gia đình bà Đèo Thị Sớp làm 200 kg thịt tươi các loại, tương đương khoảng 66 kg thịt sấy khô. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết số lượng thịt tăng gấp đôi với 400 kg/ngày. Một tháng, gia đình bà cung ứng ra thị trường từ 8-9 tạ thịt sấy khô. Số lượng hàng làm ra lớn song có lúc không có hàng để bán.

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, ngoài trực tiếp làm, bà Đèo Thị Sớp còn thuê 4-6 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài sản phẩm thịt trâu, bò, ngựa, lợn sấy, gia đình bà Sớp hiện còn có các sản phẩm khác như thịt ba chỉ hun khói, lạp xưởng, xúc xích, thịt chua, măng khô, măng ớt muối… Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, bà Sớp thu về khoảng 300 triệu đồng. Trải qua hơn 20 năm xây dựng chất lượng, thương hiệu, đến nay, sản phẩm thịt sấy Ninh Sớp đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và được đông đảo người dân tin dùng.

Giống như gia đình bà Sớp, hơn 10 năm làm thịt sấy, chị Hoàng Thị Kim Oanh ở Tổ 2, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu những ngày này tranh thủ thời gian ngoài giờ nghỉ và cuối tuần tất bật làm thịt sấy để trả các đơn hàng cho khách. Theo chị Oanh, những tháng giáp Tết, gia đình chị có ngày làm 40 kg thịt sấy khô. Năm nay, khách hàng đặt sớm từ tháng 8 âm lịch. Sản phẩm thịt sấy của gia đình chị không đủ để trả đơn hàng cho khách. Thời điểm hiện tại, chị không nhận thêm đơn hàng nữa vì không có thịt sấy bán.

Chị Oanh cho hay, để thịt tươi ngon đảm bảo chất lượng, từ sáng sớm chị đã đi chọn mua thịt, sau đó lọc thịt thành từng miếng và ướp cho ngấm gia vị. Tranh thủ chiều đi làm về hai vợ chồng đưa thịt lên giàn sấy. Làm việc hết công suất, liên tục cả ngày lẫn tối, không có thời gian nghỉ ngơi nhưng vợ chồng chị vẫn thấy vui vì được khách hàng gần xa tin tưởng, lựa chọn sản phẩm của gia đình.

Tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), nghề làm thịt sấy cũng được nhiều hộ gia đình nơi đây giữ gìn từ lâu. Điển hình gia đình bà Lường Thị Sân, thôn Tây Sơn, xã Mường So, từ cuối tháng 12/2021 đã có nhiều khách hàng gọi điện và đến nhà đặt hàng để Tết có món đặc sản thưởng thức và tiếp khách. Trung bình hai tháng giáp Tết bà bán được 100 kg thịt sấy khô.

Theo bà Sân, sở dĩ món thịt sấy được người dân ưa chuộng là làm từ thịt lợn, trâu bò hoặc ngựa, ướp các loại gia vị đặc trưng như mắc khén, gừng, xả, ớt, hạt dổi kết hợp cùng với rượu trắng và và đem hun khói bằng bếp củi, tạo nên hương vị đặc trưng, riêng có của đồng bào nơi đây và thu hút khách hàng cả nước.

Để có được món thịt sấy thơm ngon chuẩn vị Tây Bắc, các hộ làm thịt sấy trên địa bàn Lai Châu đều làm hoàn toàn thủ công; tuân thủ các quy trình cơ bản như, ngay từ khâu ban đầu chọn nguyên liệu rất cẩn thận, phải là thịt bắp hoặc thịt thăn. Các thớ thịt sẽ được lọc ra thành từng miếng có chiều rộng khoảng 10cm, chiều dài khoảng 15cm và dày khoảng 2-3cm. Trước khi cho vào sấy, thịt được ướp với hỗn hợp gia vị sao cho vừa đủ, thời gian ướp khoảng 1 tiếng, sau đó gác lên bếp để hun khói.

Công đoạn sấy là một trong những khâu không kém phần quan trọng để làm nên món thịt sấy thơm ngon. Khi sấy lửa phải vừa đủ, không được to quá thịt sẽ nhanh cháy, trong lại không đảm bảo độ chín. Ngọn lửa phải để xa tầm, thời gian sấy phải đủ 24 tiếng. Món thịt sấy có thể ăn ngay hoặc để một thời gian. Khi ăn thường nướng hoặc hấp lại để cho thịt vừa mềm, vừa nóng thơm, sau đó dùng chày gỗ đập dập, xé nhỏ chấm với tương ớt hoặc nước chanh tỏi ớt tuỳ theo sở thích của mỗi người.

Tết Nhâm Dần 2022: Đồng bào vùng cao Lai Châu chuẩn bị đặc sản phục vụ Tết ảnh 3Những mẻ lạc xưởng thơm ngon trước khi ra lò. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Tùy theo loại thịt mà giá bán thịt sấy trên thị trường khác nhau. Hiện thịt trâu, thịt bò có giá dao động 900-1,2 triệu đồng/kg, thịt ngựa từ 1-1,4 triệu đồng/kg và thịt lợn, lạp xưởng dao động ở mức 400-700 nghìn/kg.

Nhờ giữ được hương vị đặc trưng nên món thịt sấy của người Thái Lai Châu đã và đang trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Anh Tô Đình Trung, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi thấy món thịt sấy ở Lai Châu rất ngon và đặc sắc. Món ăn này có hương vị khác lạ so với món thịt bình thường, đặc biệt phù hợp để mọi người ngồi nhâm nhi uống bia, uống rượu trong ngày Tết. Tôi cũng mua mấy cân về biếu gia đình, bạn bè trong miền Nam để mọi người cùng thưởng thức món ăn đặc sản này".

Có thể thấy, nhu cầu sử dụng thịt sấy của người dân ngày càng tăng đã và đang mở ra tín hiệu vui mang lại lợi ích kép cho tỉnh, vừa giúp bà con có thêm thu thập, vừa góp phần quảng bá, bảo tồn nét văn hóa trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái Lai Châu.

Việt Hoàng – Đinh Thùy


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm