Theo những người tổ chức, cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu vai trò của gia đình, nhà trường tác động đến niềm tin, thói quen đọc sách, nhận biết thực trạng văn hóa đọc hiện nay của giới trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trước sự phát triển của công nghệ. Qua đó, đề xuất những giải pháp tác động tạo lập niềm tin thói quen xu hướng đọc tích cực.
Quang cảnh cuộc họp, công bố kết quả khảo sát "Niềm tin và thới quen đọc sách của giới trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại cuộc gặp với giới báo chí, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam chia sẻ: Trong thời gian qua, Hội xuất bản Việt Nam đã đề ra một trong năm mục tiêu đó là hình thành và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng Việt Nam, khi đi vào thực tiễn cho thấy sức đọc cũng như thói quen đọc sách của người Việt Nam còn thấp do không được tạo lập ở giới trẻ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, để góp phần nâng cao văn hóa đọc, chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát tại một số gia đình, trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá thực trạng thói quen đọc và sức đọc của giới trẻ thông qua những tư liệu khảo sát mang tính khoa học. Đây chỉ là khảo sát bước đầu để có cái nhìn chung, tiếp theo sẽ đi chiều sâu hơn và chi tiết hơn.
Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch hội xuất bản Việt Nam phát biểu tại buổi họp mặt - công bố kết quả khảo sát |
Qua 3 tháng tiến hành với 1.600 phiếu khảo sát tìm hiểu về vai trò của gia đình, nhà trường tác động đến niềm tin, thói quen đọc, nhận biết thực trạng văn hóa đọc hiện nay của giới trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh trước sự phát triển của công nghệ, kết quả cho thấy các em học cấp 3 có tỷ lệ cập nhật tin tức, đọc sách thường xuyên trên 64%, cao hơn so với các em sinh viên đại học, cao đẳng (khoảng 35%) do ở cấp học này, các bạn trẻ có nhiều chi phối trong việc học và các mối quan hệ xã hội, chủ yếu tiếp xúc trên internet.
Các phóng viên báo đài tham dự buổi họp mặt - công bố kết quả khảo sát về "Thói quen đọc của giới trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh" |
Từ thực tế đó, Hội xuất bản sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm để qua đó góp phần hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ, cả trong nhà trường và trong gia đình. Tuy nhiên, để nâng sức đọc của giới trẻ, ngành giáo dục nên có chủ trương tổ chức hoạt động đọc sách cho các em ngay tại nhà trường; nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị tốt hơn cho các thư viện để các em có nguồn sách đọc; hình thành tiết đọc sách thành khung giờ đọc sách chính thức trong nhà trường..., tạo điều kiện tốt nhất để giới trẻ có thể tiếp cận với sách nhiều hơn, được đọc sách nhiều hơn để các em thấy được tầm quan trọng, sự cần thiết, lợi ích và giá trị của việc đọc sách./.
Tin ảnh: Sơn Hên (Báo ảnh DT&MN/TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN