Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh gắn với cải cách thủ tục hành chính

Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh gắn với cải cách thủ tục hành chính
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 7 tháng của năm 2018 đạt khoảng 215.000 tỷ đồng, bằng 56,92% dự toán. Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt khoảng 87.000 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng 6. Tính chung 7 tháng của năm 2018 ước đạt 595.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc báo cáo kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc báo cáo kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
 
Trong khi đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 7 đạt 2.150.600 tỷ đồng, tăng 7,21% so cuối năm 2017.

Tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 707.471 tỷ đồng, tăng 2,13% so cùng kỳ tháng trước. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 154 triệu chứng khoán/ngày; giá trị giao dịch bình quân đạt gần 3.850 tỷ đồng/ngày.
 
Thành phố cũng chấp thuận cho 1.628 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 3,73 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khoa học và công nghệ, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Quang cảnh buổi họp về kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 7 năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
Quang cảnh buổi họp về kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 7 năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
 
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương, trong 7 tháng của năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố ước tăng 7,33% so với cùng kỳ. Các ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân.
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong 7 tháng, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, thu ngân sách của thành phố tiếp tục tăng cao là nhờ thành phố không ngừng hoàn thiện môi trường sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý, thu hút FDI hiện nay của thành phố tăng chủ yếu dựa vào hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong khi vốn đầu tư các dự án được cấp mới rất thấp, chưa đầy 1 triệu USD/dự án.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2018,  thành phố ưu tiên  các giải pháp thực hiện 7 chương trình đột phá không chỉ tháo gỡ về vốn, mà phải có quyết tâm cao độ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Ngoài ra khẩn trương thực hiện 11 đầu việc theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ. 
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
 
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các sở ngành chuẩn bị các tờ trình để trình HĐND thành phố trong kỳ họp bất thường diễn ra vào tháng 9 tới, như: báo cáo đề án sắp xếp lại ban quản lý các dự án, đề án huy động tổng thể các nguồn lực đầu tư hạ tầng trên địa bàn, xây dựng đường vành đai 3, đấu thầu các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện, triển khai rạch Xuyên Tâm theo cơ chế xã hội hoá, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân viên thành phố theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù, đề án thành lập trung tâm báo chí thành phố…
 
Nói về công tác cải cách hành chính, người đứng đầu UBND thành phố thừa nhận, mặc dù đã nỗ lực nhưng thủ tục hành chính vẫn còn trì trệ. Đơn cử, người dân và UBND quận 1 đã 3 lần phản ánh lên Sở Xây dựng về nguy cơ mất an toàn tầng hầm để xe chung cư nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
 
 “Cán bộ phải nôn nóng với công việc, nếu chỉ có Thường trực UBND thôi là chưa đủ. Chúng ta phải xem xét lại thái độ khi tiếp xúc với người dân, quyết vấn đề gì cũng cần đặt mình vào vị trí người dân và phải giải quyết kịp thời”, ông Nguyễn Thành Phong nói./.
 Trần Xuân Tình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm