Tăng giá trị hồ tiêu theo hướng nông sản sạch ở huyện Giồng Riềng

Sản phẩm hồ tiêu an toàn, chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Sản phẩm hồ tiêu an toàn, chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang có khí hậu phù hợp và nguồn nước ngọt dồi dào từ sông Cái Bé, rất thuận lợi cho hồ tiêu phát triển. Thời gian qua, các hợp tác xã trồng hồ tiêu ở Giồng Riềng đã và đang từng bước áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm hồ tiêu vừa tăng năng suất, chất lượng ổn định, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Tăng giá trị hồ tiêu theo hướng nông sản sạch ở huyện Giồng Riềng ảnh 1Sản phẩm hồ tiêu an toàn, chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Được chứng nhận VietGAP vào năm 2018, sản phẩm hồ tiêu Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng) bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất. Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú, xã Ngọc Hòa thành lập từ năm 2015 với 72 thành viên chuyên sản xuất tiêu trên tổng diện tích 52 ha; trong đó, 20 ha của 20 thành viên áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu sạch, xử lý phân thuốc hữu cơ theo quy định. Đến năm 2018, 20 ha trồng hồ tiêu của Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Văn Màu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú, sau khi đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng cao, có đầu ra ổn định, giúp tăng lợi nhuận cho các thành viên trong hợp tác xã. Hiện Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú cung ứng cho thị trường hồ tiêu thương phẩm chất lượng cao với sản lượng hơn 180 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Thép, ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng trước đây từng trồng dưa lê, luân canh với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, dù dưa lê mang lại hiệu quả kinh tế nhất định nhưng chi phí đầu tư, công chăm sóc khá tốn kém, lại chỉ trồng được một mùa trước khi phải chuyển đổi sáng cây trồng khác. Trong khi hồ tiêu chỉ đầu tư vốn, kỹ thuật, công canh tác ban đầu, sau đó chỉ tốn công chăm bón để cho thu hoạch lâu dài.

Tăng giá trị hồ tiêu theo hướng nông sản sạch ở huyện Giồng Riềng ảnh 2Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thép, ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ông Thép cho biết, sau khi tìm hiểu và tham gia tập huấn phương thức kỹ thuật trồng hồ tiêu, từ năm 2015, ông mạnh dạn chuyển đổi 1,4 ha trồng màu để trồng hồ tiêu theo quy trình VietGAP. Ngoài sử dụng phân hữu cơ theo quy định, ông Thép đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giúp giảm chi phí hơn 40% so với trước.

Với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn hồ tiêu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm hồ tiêu của gia đình ông Thép luôn đạt chất lượng, năng suất ổn định khoảng 3 tấn/ha/năm, đầu ra được đảm bảo.

Thời điểm giá hồ tiêu lên tới 230.000 đồng/kg, lợi nhuận nhờ trồng hồ tiêu của ông Thép đạt khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Do giá cả hồ tiêu bấp bênh, thời điểm vụ mùa vừa qua, giá hồ tiêu là 60.000 đồng/kg, lợi nhuận cũng đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Từ năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú tiếp tục xúc tiến cho bà con nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm hồ tiêu sạch. Ông Nguyễn Văn Màu cho biết, từ tiêu chuẩn VietGAP lên tiêu chuẩn GlobalGAP giá trị thương phẩm của hồ tiêu tăng khoảng 20 - 30%, giúp tăng lợi nhuận cho bà con, tạo sự bền vững cho quá trình sản xuất hồ tiêu tại địa phương.

Thực tế, việc được cấp các chứng nhận sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao đã giúp thay đổi tư duy canh tác theo kiểu truyền thống trước kia của bà con nông dân. Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác bền vững theo hướng an toàn được áp dụng cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe bà con.

Trong hai năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ của hồ tiêu có chậm và sụt giá, nhưng bà con vẫn duy trì phát triển cây hồ tiêu, có những hộ gắn bó với cây hồ tiêu trên 20 năm vì lợi nhuận hồ tiêu mang về vẫn cao hơn cây lúa nhiều lần.

Theo ông Trần Ngọc Khải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện là hơn 200 ha, tập trung ở hai xã Ngọc Hòa và Hòa Thuận. Hồ tiêu Giồng Riềng phát triển trên vùng đất thấp, phèn, leo tràm, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tăng giá trị hồ tiêu theo hướng nông sản sạch ở huyện Giồng Riềng ảnh 3Sản phẩm hồ tiêu an toàn, chất lượng cao của Hợp tác xã Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Giồng Riềng hiện có hai hợp tác xã trồng hồ tiêu được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt năng suất bình quân đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Sản phẩm hồ tiêu Giồng Riềng có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường ưa chuộng.

Ông Trần Ngọc Khải cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương có kế hoạch quy hoạch những vùng sản xuất hồ tiêu tập trung quy mô lớn, tiếp tục hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác.

Đồng thời, định hướng việc xây dựng các thương hiệu để xúc tiến quảng bá nâng cao giá trị hồ tiêu; đăng ký xây dựng sản phẩm công nghiệp hàng hóa cho hồ tiêu, gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của địa phương.

Hồng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm