Ngày 19/1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình Tết Việt 2022 chủ đề "Tiến lịch đón Xuân sang" theo hình thức trực tuyến, chào mừng Tết nguyên đán Nhâm Dần trên website: www.hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Nhiều nghi thức Tết Việt truyền thống được tái hiện, giới thiệu để công chúng hiểu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Trong chương trình này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long thực hiện trưng bày chủ đề "Tiến lịch đón Xuân sang". Điểm nhấn độc đáo là trưng bày diễn giải tư liệu và hình ảnh về quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê, đặc biệt phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua. Tại trưng bày tái hiện một cách sinh động quy trình san khắc, in ấn, đóng quyển lịch thông qua bộ sưu tập dụng cụ, nguyên liệu chuyên dụng của nghệ nhân khắc mộc bản. Bên cạnh đó, Trung tâm vẫn tiếp tục duy trì trưng bày không gian phong tục tết truyền thống: Không khí chuẩn bị đón Tết, tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết....
Đặc biệt, năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên lần đầu thể nghiệm nghi lễ cung đình lễ Tiến lịch tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với hình thức sân khấu hóa. Nghi lễ bao gồm: Nghi thức các quan vào chầu; nghi thức quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch; nghi thức quan Truyền chế đọc chế; nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch.
Công chúng cũng được giao lưu với nhà sử học Lê Văn Lan và nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo (Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhà sử học Lê Văn Lan đã chia sẻ về qui trình biên soạn, phê duyệt, san khắc và đóng ấn lịch của triều đình nhà Lê, đặc biệt là nghi lễ Tiến ngự lịch lên hoàng đế và Ban lịch cho bách quan, muôn dân. Ông cũng kể chuyện về phong tục Tết truyền thống của dân tộc như không khí chuẩn bị Tết, treo câu đối, tranh Tết, chúc Tết, mừng tuổi, xin chữ đầu năm... Nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo là một trong số rất ít người hiện nay có khả năng khắc các mộc bản kinh Phật cổ, sách cổ. Nghệ nhân giới thiệu và trình diễn kỹ thuật khắc ván độc đáo và cổ xưa, một công đoạn quan trọng trong qui trình làm sách của triều đình xưa.
Tết Nguyên đán là một lễ tiết quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước Đông Á. Đặc biệt, Tết trong cung đình còn mang vẻ độc đáo của sự tôn nghiêm và quyền lực. Một trong những hoạt động đầu tiên chuẩn bị cho năm mới, nhà vua và triều đình tiến hành ban lịch cho bách quan và dân chúng. Chính sử cho biết thời Lê, hàng năm vào tháng trọng xuân, triều đình cho biên soạn lịch công của năm mới, vua Lê phê duyệt rồi truyền cho san khắc, in ấn, đóng quyển. Đến ngày 24 tháng Chạp, tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình long trọng tổ chức nghi lễ Tiến ngự lịch lên Hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân. Nghi lễ Tiến - Ban lịch chính thức đánh dấu thời điểm Tết đến, xuân về với muôn nhà từ nơi thôn quê đến chốn cung đình.
Đinh Thuận