Người dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chăm sóc, cắt tỉa cành cho trái bưởi da xanh đạt chất lượng. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN |
Huyện Mai Sơn là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Sơn La với nhiều loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng thơm ngon được thị trường yêu chuộng; trong đó, có trái bưởi da xanh. Một loại cây ăn quả mới được trồng với triển vọng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Nhiều năm trước, do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, đất nông nghiệp ở Mai Sơn chủ yếu dùng để trồng ngô, sắn, mía đường… Đây từng là những cây trồng không thể thiếu đối với người nông dân nơi đây. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của thị trường, các loại cây này cho thấy hiệu quả kinh tế thấp so với cây ăn quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hà Văn Bình cho biết, trước đây, Mai Sơn cũng như các huyện khác của tỉnh Sơn La có diện tích cây trồng lương thực tương đối lớn nhưng, kém hiệu quả do đất dốc, khôn hạn, thiếu nước và tập quán canh tác của người dân chưa áp dụng tiến bộ khoa học nên sản lượng cũng như giá trị trên diện tích đất canh tác thấp. Cùng với đó là hạn chế về vốn và việc chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa kịp thời. Đây là những khó khăn chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, canh tác của địa bàn Mai Sơn.
Trái bưởi da xanh Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN |
Trước thực trạng đó, huyện Mai Sơn đã quyết định thay đổi trong cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Theo chủ trương đó, nhiều hộ nông dân đã lựa chọn trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, việc đưa một loại cây trồng mới vào thử nghiệm, người nông dân ở Mai Sơn gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu. Bởi, đất nông nghiệp ở Mai Sơn có đặc điểm khô hạn, thiếu nước nên khó khăn khi trồng các loại cây ăn quả. Mặt khác, bưởi da xanh xuất xứ từ miền Nam nên khi trồng trên đất Mai Sơn có sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng khiến cây bưởi ban đầu sinh trưởng và phát triển không như mong muốn.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Hòa ở bản Nông Sôm, xã Hát Lót là một trong những hộ đầu tiên trồng bưởi da xanh ở Mai Sơn, chia sẻ: Hồi đầu trồng cây bưởi da xanh gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và cách chăm sóc. Nhưng qua một thời gian nghiên cứu, học hỏi thì anh đã biết cách chăm sóc cây bưởi da xanh và loại cây trồng này đã cho thu nhập cao hơn so với trồng ngô, sắn. Sau 5 năm, hiện nay gia đình anh có 3 ha bưởi da xanh và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 300 triệu mỗi năm.
Để trồng được cây ăn quả trên nền đất nông nghiệp ở Mai Sơn, những việc đầu tiên người nông dân phải làm là cải tạo đất và xây dựng hệ thống dẫn nước tưới tiêu để khắc phục sự khô hạn.
Người dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chăm sóc, cắt tỉa cành cho trái bưởi da xanh đạt chất lượng. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN |
Việc tạo ra giống bưởi da xanh trồng được trên vùng đất Mai Sơn đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Sau nhiều lần thất bại, thông qua việc ghép mắt, Hợp tác xã Ngọc Lan đã thành công trong việc tạo ra được giống bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nông nghiệp ở Mai Sơn. Chất lượng trái bưởi được đảm bảo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng.
Hiện nay, Hợp tác xã Ngọc Lan đã có 20 ha bưởi da xanh. Với mục tiêu phát triển lâu dài cây bưởi da xanh trên địa bàn, ngay từ đầu, các thành viên hợp tác xã đã tập trung xây dựng mô hình trồng bưởi theo các tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường. Thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học, các vườn bưởi tại đây đều sử dụng phân bón hữu cơ.
Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe của người làm vườn, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp chất lượng đất được cải tạo tốt hơn. Đồng thời, việc sử dụng phân bón hữu cơ trong thời gian dài sẽ giúp nâng cao chất lượng đất trồng và đảm bảo dinh dưỡng cho cây bưởi.
Bưởi da xanh Mai Sơn, đặc sản nổi tiếng thơm ngon được thị trường yêu chuộng. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Là một loại cây ăn quả mới trồng trên địa bàn nên việc xây dựng thương hiệu cho trái bưởi da xanh Mai Sơn cũng là vấn đề rất quan trọng. Nắm bắt được điều đó, ngay sau khi thành công trong việc trồng và phát triển các mô hình bưởi da xanh, Hợp tác xã Ngọc Lan đã đăng ký thương hiệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi da xanh Mai Sơn với những thông tin như ngày sản xuất, tên sản phẩm…
Với việc sử dụng sản phẩm nông sản an toàn đang trở thành xu thế hiện nay trên thị trường và việc phát triển mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ rất quan trọng. Vì thế, huyện Mai Sơn và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, chương trình tư vấn cho các hợp tác xã để xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thông tin: Trong quá trình sản xuất, Chi cục thường xuyên cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bón phân, ghi chép nhật ký canh tác, đồng thời điều tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh để đưa ra các khuyến cao kịp thời.
Đến nay, mô hình trồng bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mai Sơn. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu bưởi da xanh Mai Sơn cũng như hướng tới các thị trường trong nước và xuất khẩu cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc cùng với người nông dân.
Nguyễn Cường – Minh Đường