Sơn La thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhà vườn của Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc cây hoa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN phát
Nhà vườn của Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc cây hoa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN phát

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Sơn La thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1

Nhà vườn của Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc cây hoa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN phát

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu (huyện Mộc Châu) mỗi năm sản xuất khoảng 300.000 cây hoa lan và 1 triệu cây hoa ly. Công ty sử dụng 100% cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu để trồng và chăm sóc theo quy trình đặc biệt, có can thiệp điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ để ức chế tác động vào quá trình sinh trưởng, giúp hoa nở đúng thời gian thu hoạch theo ý muốn.

Chị Lê Thị Hiền, Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu cho biết, trong quá trình chăm sóc cây hoa đòi hỏi phải có kỹ thuật và chăm bón theo từng giai đoạn để cây hoa sinh trưởng tốt. Đặc biệt, trong thời gian đầu phải tưới đủ chế độ nước cho cây hoa.

Sơn La thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 2

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc cây mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà lưới chống mưa đá. Ảnh: TTXVN phát

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông nghiệp Sơn La đang tạo ra những sản phẩm nông sản trái vụ như nhãn, mận hậu, dâu tây..., mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống.

Nổi bật, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hiện đang trồng 50 ha mận hậu và 100% diện tích được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, thu hoạch mận chỉ trong 1 tháng thì nay khoảng 5 tháng. Có được thành quả này, những năm gần đây, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật hạ cành, tỉa tán, kích cho mận ra hoa sớm và muộn để rải vụ mận. Là cây trồng ưa độ ẩm cao, một số thành viên hợp tác xã còn đầu tư hệ thống tới ẩm tự động, đồng thời xây dựng nhà lưới chống mưa đá.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát cho hay, hợp tác xã thấy cây mận phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng này nên đã phát triển loại cây này. Đồng thời, cử người đi học hỏi kỹ thuật cách cắt tỉa, cũng như chăm sóc, tưới. Nhờ đó, sản lượng mận mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn/1 ha. Mận được giá đã mang lại thu nhập cao cho các hộ thành viên và người dân trong vùng.

Sơn La thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 3 Sản suất phân bón hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn La (Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: TTXVN

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tỉnh Sơn La đang hỗ trợ, duy trì, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; đưa vào sản xuất hơn 50 bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất, chất lượng; trên 13 nghìn ha ghép cải tạo cây ăn quả; trên 1.200 ha cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun; trên 3.960 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương. Nhờ vậy, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng khoảng 5-10%/ha/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5 - 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin: Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, có các đề án cụ thể trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Sơn La có một đề án rõ ràng, đó là định hướng trồng trọt theo hướng sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cũng đã phân định rõ đối với các loại cây ăn quả và phát triển chiều sâu cho từng loại cây ăn quả.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục tập trung đầu tư nguồn nhân lực có trình độ; hoàn thành các dự án khu ứng dụng công nghệ đảm bảo cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nhân lực để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phòng trừ dịch bệnh hại và thực hiện bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nguyễn Cường - An Hảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm