Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ

Tỉnh Sơn La hiện có trên 83.000 ha cây ăn quả, là địa phương dẫn đầu miền Bắc về diện tích và sản lượng cây ăn quả năm 2022 đạt trên 362.000 tấn; có 18.963 ha cà phê và sản lượng cà phê nhân đạt trên 29.600 tấn.

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ảnh 1 Diện tích chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Sơn La. Ảnh: TTXVN phát

Việc phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp của Sơn La đã được quy hoạch theo vùng, khu vực, không còn phát triển một cách ồ ạt thiếu hiệu quả. Song song với đó, việc phát triển các quy trình sản xuất kỹ thuật cao, nông nghiệp hữu cơ được đẩy mạnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều hộ gia đình ở huyện Thuận Châu đã tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đối với chị Hoàng Thị Thảo ở xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) việc trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ảnh 2Người dân xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La) sử dụng phân bón hữu cơ cho diện tích cà phê. Ảnh: TTXVN phát

Chị Hoàng Thị Thảo chia sẻ, mấy năm trước, gia đình chị trồng cam, bưởi bằng bón phân vô cơ cho hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng hai năm nay, gia đình chị chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ thì vườn cam, bưởi xanh tươi, sai quả và to đều hơn; đồng thời, giảm được công chăm sóc.

Không chỉ gia đình chị Hoàng Thị Thảo, mà nhiều hộ gia đình khác ở xã Chiềng Pha đã đẩy mạnh việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ trong sản xuất, như mô hình cà phê của anh Lường Văn Út. Mô hình này được chia làm hai khu vực canh tác là sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ. Điểm dễ nhận thấy, khu vực sử dụng phân bón hữu lá cây xanh và sản lượng quả cà phê nhiều hơn.

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ảnh 3Diện tích cà phê hữu cơ tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La). Ảnh: TTXVN phát

Anh Lường Văn Út cho biết, từ khi canh tác theo hướng hữu cơ, cây cà phê lá xanh và quả chắc hơn so với việc sử dụng phân bón vô cơ.

Những năm qua, cùng với việc tích cực phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nông dân huyện Mộc Châu đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩn an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Gia đình anh Tráng A Sử, Tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) có 3 ha mận hậu. 3 năm qua, anh Sử đã sử dụng phân bón hữu cơ cho cây mận. Nhờ thực hiện đúng quy trình, cộng với thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi năm vườn mận của gia đình anh cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, cao gấp đôi so với cách trồng mận truyền thống trước kia.

Anh Tráng A Sử cho hay, gia đình anh trước đây bón phân cho cây mận theo cách truyền thống nên sản lượng quả bình thường. Mỗi năm chỉ đạt từ 30-35 tấn quả, mẫu mã quả không được đẹp. Nhưng từ khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ cho cây mận thì sản lượng quả đạt cao hơn.

Trang trại rau của gia đình chị Dương Thị Đông, tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) có diện tích sản xuất gần 2 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn rau, củ, quả các loại. Cùng với việc tập trung đa dạng chủng loại rau, nhằm tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng năm gần đây, gia đình chị đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang hữu cơ. Kể từ khi chuyển đổi, sản lượng nông sản của gia đình chị tăng lên gấp đôi.

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ảnh 4Người dân xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La) thu hoạch cà phê. Ảnh: TTXVN phát

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thông tin, để quá trình sản xuất, cũng như chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ cần có một quá trình. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc sử dụng vật tư phân bón đầu vào nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, góp phần cải tạo và làm giàu cho đất. Việc đẩy mạnh áp dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sẽ là một trong những cơ sở để tỉnh Sơn La tiếp tục nâng cao diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng nông sản của địa phương.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm