Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La

Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La

Xuân mới đang về mang theo hơi ấm của đất trời, niềm tin của đồng bào dân tộc vào những chủ trương, định hướng của tỉnh Sơn La trong phát triển nông nghiệp. Năm qua, bức tranh nông nghiệp ở các huyện vùng cao Sơn La có nhiều khởi sắc, góp phần nâng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác…

Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La ảnh 1Những năm vừa qua, nhận thấy cam đường canh là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, gia đình chị Lò Thị Lan, dân tộc Thái ở bản Phổng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp đã nhân rộng diên tích trồng cây ăn quả có múi. Ảnh: Hữu Quyết

Cam, quýt đang là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Phù Yên. Sau nhiều năm trồng tập trung, lựa chọn giống phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây có múi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Duy Khanh ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi với hơn 4 ha cam, bưởi và quýt Thái trồng theo quy trình VietGAP; hộ bà Nguyễn Thị Phấn ở bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, thu hoạch khoảng 10 tấn cam đường canh/năm… Với giá bán từ 25.000 - 40.000 đồng/ kg, không ít hộ đồng bào có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La ảnh 2Với chất lượng thơm ngon nhờ trồng trên vùng đất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sản phẩm quýt ngọt Phù Yên (Sơn La) luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Hữu Quyết

Những ngày đầu xuân này, đồng bào ở xã biên giới Mường Và, huyện Sốp Cộp cũng đang hối hả bước vào vụ thu hoạch cam, quýt. Toàn xã hiện có gần 100 ha cam, quýt, trong đó hơn một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Khoảng 10 năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt, ghép cành, ghép cây cải tạo nên giống cam nơi đây dần có thương hiệu trên thị trường và được nhiều thương lái tìm mua. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, gia đình chị Lương Thị Hương Nồng ở bản Nà Mòn đã chuyển đổi 2 ha trồng ngô, sắn sang trồng cam, quýt. Nhờ trồng và chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên đến nay, gia đình chị Nồng có thu nhập gần 400 triệu đồng/vụ.

Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La ảnh 3Bản làng của đồng bào dân tộc ở Sơn La hôm nay. Ảnh: Hữu Quyết

Được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vườn, cây có múi đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, thời gian qua, huyện đã tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Năm 2022, sản lượng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện đạt khoảng 2.200 tấn.

Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La ảnh 4Cây có múi đã và đang giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình anh Vì Văn Phanh ở xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp là một điển hình như thế. Ảnh: Hữu Quyết
Xuân của niềm tin trên vùng cao Sơn La ảnh 5Xã Mường Thải là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả có múi lớn của huyện Phù Yên với trên 145 ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện. Ảnh: Hữu Quyết

Tiết trời vào xuân, con đường về các huyện vùng cao Sơn La ngập trong sắc đào. Trong sương sớm, những cô gái bản má đỏ hây hây đi tìm lá dong chuẩn bị giã bánh giầy. Đi cùng cơn mưa xuân mỏng nhẹ là sự hứng khởi khi cam, quýt được mùa, được giá. Đồng bào nơi đây đang rất vui mừng đón một cái Tết ấm no, đủ đầy; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng.

Hữu Quyết

(BADT&MN)

Có thể bạn quan tâm