Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà

Một góc trung tâm hành chính huyện Bác Ái, nơi có trên 87% là đồng bào Raglai sinh sống. Ảnh: Nguyễn Thành
Một góc trung tâm hành chính huyện Bác Ái, nơi có trên 87% là đồng bào Raglai sinh sống. Ảnh: Nguyễn Thành

Trở lại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) khi xuân đang đến gần, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hăng say trong lao động sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc nơi đây trở nên ngày càng ấm no, đủ đầy…

Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 1Đồng bào Raglai ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái chăm sóc lúa theo mô hình liên kết sản xuất với hợp tác xã ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành

Bác Ái hôm nay đã khác xưa, hạ tầng khang trang, đường giao thông rộng rãi, xuyên suốt, hai bên đường làng mạc trải dài, những vườn cây trái xanh tốt. Những nếp nhà của đồng bào các dân tộc được xây dựng kiên cố, ngày càng khang trang hơn. Nhiều chương trình, dự án được đầu tư với quy mô lớn trên địa bàn như dự án thủy lợi Tân Mỹ; dự án thủy điện tích năng Bác Ái; các dự án năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao… đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 2Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận được đầu tư tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Ảnh: Nguyễn Thành
Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 3Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái triển khai thành công mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Thành

Huyện Bác Ái có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Năm 2022 vừa qua, tổng giá trị sản xuất của Bác Ái đạt trên 1.732 tỷ đồng (tăng 10,4% so với năm 2021); tổng diện tích gieo trồng đạt trên 11.830 ha; đàn gia súc trên 91.390 con; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 58,6%... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu nhập của đồng bào đã được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%...

Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 4Huyện Bác Ái có thế mạnh về chăn nuôi cừu. Nghề nuôi cừu đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Nguyễn Thành
Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 5Niềm vui của chị Chamaléa Thị Hiền, người Raglai ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính, huyện Bác Ái khi nước máy được kéo về tận nhà. Ảnh: Nguyễn Thành

Khéo léo lồng ghép các nguồn lực, Bác Ái đã đạt được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, văn hóa… Đến nay, 100% tuyến đường liên huyện, xã, thôn được trải nhựa, nâng cấp; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có điện; 98% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 35/38 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,2%...

Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 6Một góc trung tâm hành chính huyện Bác Ái, nơi có trên 87% là đồng bào Raglai sinh sống. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bác Ái, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023, Bác Ái sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chăn nuôi; nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; từng bước hình thành các sản phẩm OCOP, các chuỗi giá trị sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư…

Bác Ái - xuân ấm no đến muôn nhà ảnh 7Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái được đầu tư khang trang, đáp ứng điều kiện học tập của con em đồng bào dân tộc. Ảnh: Nguyễn Thành

Với những đổi thay tích cực cả về diện mạo nông thôn miền núi và đời sống đồng bào, mùa xuân này người dân ở huyện miền núi Bác Ái sẽ đón một năm mới sung túc, đủ đầy hơn.

Nguyễn Thành

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm