Sóc Trăng ứng phó với mặn xâm nhập vào nội đồng

Sóc Trăng ứng phó với mặn xâm nhập vào nội đồng

Sóc Trăng là địa phương hạ nguồn sông Hậu (sông Mê Kông), hằng năm địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập vào những tháng mùa khô (tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau).

Sóc Trăng ứng phó với mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh 1 Đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 đã làm nhiều diện tích lúa của nông dân Sóc Trăng bị mất trắng.Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, mùa khô năm 2023, diễn biến mặn có thể sẽ gay gắt. Do đó, ngay từ đầu năm năm, các ngành chức năng đã chủ động ứng phó nhằm tránh rủi ro, hạn chế thiệt hại bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tại huyện Kế Sách, địa phương được xem là "thủ phủ" trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng với diện tích 17.773 ha, gồm các loại trái cây chủ lực như: bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, mít... Từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn xâm nhập vào địa bàn, với số liệu đo mặn cao nhất tại trung tâm huyện Kế Sách khoảng hơn 4g/l (phần nghìn). Nhằm ứng phó với mặn xâm nhập bảo vệ vườn cây ăn trái, người dân địa phương đã chủ động mua thiết bị đo mặn, thử nồng độ nước mặn trước khi lấy nước tưới tiêu cho vườn cây ăn trái.

Theo anh Đoàn Văn Út Em (xã Xuân Hòa), huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, hộ gia đình anh và nông dân chuyên canh sầu riêng tại địa phương đã có nhiều năm ứng phó hạn mặn nên có kinh nghiệm, gia đình đã chủ động mua thiết bị đo mặn cầm tay, để thử nước trước khi bơm vào vườn tưới cho cây sầu riêng; đồng thời, gia đình cũng chủ động nạo vét ao, mương, chủ động bơm dự trữ nước phòng tình trạng mặn xâm nhập trong những ngày tiếp theo.

Kế Sách có gần 1.300 ha trồng sầu riêng; trong đó, trên 60% diện tích cho trái tập trung ở các xã Xuân Hòa, Ba Trinh, Trinh Phú. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao và không khả năng chống chịu nước mặn. Bước vào mùa khô năm 2023, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, đảm bảo việc ngăn mặn và khuyến cáo nạo vét mương vườn dự trữ nước ngọt tưới tránh trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài.

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thông tin, huyện Kế Sách có 24 km tiếp giáp với sông Hậu và cách biển từ 42 - 64 km, thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30 - 50 ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều. Khi nước mặn bắt đầu xâm nhập vào địa bàn, huyện sẽ kích hoạt các tổ đo mặn ở các xã, thị trấn tiến hành đo nước mặn hằng ngày ở những khu vực xung yếu.

Huyện cũng thường xuyên cập nhập số liệu mặn xâm nhập hằng ngày trên các nhóm zalo, phát thông báo mặn xâm nhập trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, ghi số liệu độ mặn tại các địa phương thường xuyên bị nước mặn đe dọa tại các khu vực công cộng, quán cà phê... để người dân nắm bắt, theo dõi, chủ động lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Mặt khác, cán bộ ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, nhằm giúp nông dân có giải pháp thích ứng phù hợp, tăng cường khả năng cho cây trồng chống chịu hạn mặn, khuyến cáo nhà vườn chủ động dự trữ nước ngọt cho những tháng tiếp theo.

Tại huyện Cù Lao Dung vùng trọng điểm thứ 2 của tỉnh về trồng cây ăn trái, với diện tích trồng cây ăn trái, trên địa bàn huyện hơn 4.700 ha và diện tích trồng mía khoảng 2.800 ha. Ứng phó với tình hình mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2023, huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung cũng đã chủ động gia cố đê bao, xây dựng kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với mặn xâm nhập, bể bờ bao mặn tràn vào gây thiệt hại cho cây trồng.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngay từ đầu mùa khô năm nay, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó hạn mặn, trong đó, chủ đạo là tuyên truyền người dân ứng phó với hạn mặn. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cống ngăn mặn, vận hành thông suốt, đảm bảo hệ thống đê bao an toàn; triển khai những mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất.

Chi cục trưởng, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng ông Phạm Tấn Đạo cho hay, từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn đã vượt qua địa bàn huyện Long Phú (thị trấn Đại Ngãi) tiếp cận khu vực Kế Sách đồng thời giữ vững cường độ mặn trong dài ngày, các vùng trọng điểm sản xuất lúa, cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng như: vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Kế Sách, Cù Lao Dung có nguy cơ bị ảnh hưởng, nhất là từ cuối tháng 2, tháng 3 tới.

Số liệu độ mặn cao nhất trong tuần qua, từ ngày 13/02 đến 19/02 cho thấy, trên sông Hậu, tại Trần Đề ở mức 19,7 g/l (19,7 phần ngàn); tại Long Phú 15,9 g/l (15,9 phần ngàn); tại Đại Ngãi 8,5 g/l (8,5 phần ngàn); tại Rạch Mọp 6,6 g/l (6,6 phần ngàn); tại Cái Trâm 3,8g/l(3,8 phần ngàn). Trong thời gian từ nay đến tháng 3, nước mặn sẽ xâm nhập gay gắt hơn, với nồng độ mặn 4 phần ngàn trở lên có thể xâm nhập theo sông Hậu vào khoảng 60 km.

Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi đã chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, mặn; trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có thông báo, cảnh báo kịp thời với các địa phương người dân chủ động trong công tác ứng phó. Phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là các điểm quan trọng như, các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất và số liệu đo mặn được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin của địa phương.

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm