An Giang triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn

An Giang triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn

Dự báo xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang - Kiên Giang cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3‰, xấp xỉ trung bình nhiều năm, tỉnh An Giang đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

An Giang triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn ảnh 1Trạm bơm Bọng Định Nghĩa (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang) phục vụ nước tưới cho hơn 1400 ha lúa vùng cao của bà con Khmer trong huyện. Anh: Công Mạo - TTXVN

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn An Giang, xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn có khả năng tăng cao từ cuối tháng 2/2023 và duy trì trong khoảng thời gian đến tháng 6/2023. Độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3 và tháng 4/2023, ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong các tháng mùa khô 2023, độ mặn có khả năng tăng cao đột biến do ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc hoạt động với cường độ mạnh.

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn An Giang cho biết, diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang - Kiên Giang tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn (thuộc tỉnh An Giang) phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Hậu truyền vào và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.

Theo ông Ninh, thông qua công tác vận hành các cống kiểm soát mặn và đập tạm ngăn mặn của tỉnh Kiên Giang, Đài Khí tượng thủy văn An Giang dự báo độ mặn tại 8 trạm đo trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn (4 trạm) và Thoại Sơn (4 trạm), độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3‰ trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2023.

Đánh giá khả năng xâm nhập mặn, ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết, trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 6.230 ha của huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.

Theo ông Khanh, mùa khô 2023 dự báo tình hình mực nước trên các kênh, rạch tại An Giang xuống thấp kèm theo nắng nóng sẽ gây khó khăn cho công tác bơm tưới, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên; vùng đồng bằng ở các vùng đất gò cao ở huyện An Phú, Phú Tân, Châu Đốc. Khô hạn cũng gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho các hộ dân ở vùng cao ven các đồi núi, vùng đồng bằng 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn do chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện đang sử dụng nước mưa, giếng....

Để phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô, tỉnh An Giang đã triển khai phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó. Trong đó tỉnh tập trung tuyên truyền cho toàn dân hiểu biết về ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất; khả năng thiếu nguồn nước, nhiễm mặn, ô nhiễm và có thể phát sinh các dịch bệnh. Tỉnh An Giang cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Đông Xuân 2022-2023 phù hợp với thực trạng, nguồn nước; xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

Ông Lương Huy Khanh cho biết, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới. Tại các kênh rạch có khả năng bị nhiễm mặn, các địa phương đã khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước; trong đó, tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào, hạn chế bơm khi nước trong kênh rạch có thời gian ngừng chảy kéo dài và không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào.

"Ngành nông nghiệp An Giang cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi độ mặn tại các kênh giáp ranh Kiên Giang; phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ Giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi Tổ chức vận hành các công trình cống để tích trữ nước phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt", ông Khanh cho biết thêm.

Nhằm kịp thời chống hạn để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu 2023, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000 ha. Triển khai biện pháp vận hành hệ thống cống hợp lý để điều tiết, trữ nước vào kênh rạch tạo nguồn phục vụ cho sản xuất cho khoảng 7.752 ha ở các huyện như: An Phú, Châu Đốc, Châu Thành và Thoại Sơn.

Trường hợp mặn vực từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, An Giang có 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu huyện Thoại Sơn, Tri Tôn phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, kiểm tra khu vực có khả năng xâm nhập mặn, chuẩn bị phương án các đập tạm phòng chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng bảo vệ sản xuất. Trong đó phải có phương án cấp nước ngọt cho dân sinh hoạt, khi nguồn nước của các nhà máy cấp nước bị nhiễm mặn.

Trường hợp vùng cao hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do khô hạn, UBND tỉnh cũng yêu cầu 2 địa phương phải tổ chức cấp, chuyển nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho nhân dân, thực hiện bơm chuyền cấp 2, cấp 3 để cứu lúa và hoa màu; tăng cường trữ nước cho các hồ chứa hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm