Trà Vinh đưa vào canh tác nhiều giống lúa chống chịu hạn, mặn

Giống lúa HATRI 20. Nguồn: hatri.org
Giống lúa HATRI 20. Nguồn: hatri.org

Sau hơn 4 năm phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu lai tạo các giống lúa chất lượng cao, đạt ưu thế về chống chịu hạn, mặn, tỉnh Trà Vinh đã chọn được bộ giống lúa tiềm năng chịu được độ mặn cao và thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào canh tác.

Đó là các giống lúa, như: Hatri 20, Hatri 60, Hatri 62, Hatri 170, Hatri 190 và TLG1 có khả năng chịu mặn từ 3,5-05%o, cho năng suất từ 5,5-08 tấn/ha. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long còn lai tạo được các giống hạt tròn có khả năng chịu hạn cao, thời gian sinh trưởng từ 110-120 ngày, gồm: Hatri 5, Hatri 200, Hatri 500, TMG 434, TMG 432 và Bl 12.

Trà Vinh đưa vào canh tác nhiều giống lúa chống chịu hạn, mặn ảnh 1 Giống lúa HATRI 20. Nguồn: hatri.org

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất trồng lúa của tỉnh Trà Vinh có đặc điểm khô, nhiễm mặn, nhất là vào cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn chịu nhiều áp lực về thiếu nguồn nước ngọt, khô hạn và nước mặn đe doạ.

Sự nghiên cứu lai tạo thành công một số giống lúa chất lượng cao, đạt ưu thế về chống chịu hạn, mặn không chỉ giúp nông dân dẽ canh tác mà còn nâng cao được giá trị nhờ hạt gạo đủ tiêu chuẩn cho thị trường xuất khẩu.

Hầu hết các giống lúa đã được nghiên cứu lai tạo cho sản xuất ở vùng đất dễ nhiễm mặn có đặc tính thơm nhẹ, khác với các giống lúa ở vùng ngọt hoá. Việc canh tác giống lúa chống chịu hạn, mặn này cần thực hiện đúng quy trình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, như: dùng máy sạ cụm, sử dụng quy trình phân bón thông minh, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),… để giúp nông dân tiết kiệm chi phí, phát huy tối đa hiệu suất của các giống lúa khi gieo trồng.

Ông Kiên Sô Phone, ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, một trong những hộ thực hiện mô hình trồng lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng máy sạ cụm và bón phân bón thông minh trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, thu lợi nhuận tăng hơn 6,5 triệu đồng/ha so với ruộng không sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh.

Ông Kiên Sô Phone cho biết, với việc sử dụng máy sạ cụm giúp giảm 50 % lượng giống, từ 80-100kg/ha theo cách sạ hàng giảm xuống còn 40-50kg/ha theo sạ cụm. Cùng với đó, việc sử dụng phân bón thông minh hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm sâu bệnh do bón thừa phân đạm do theo phương thức canh tác truyền thống là sạ dày. Năng suất lúa đạt bình quân 7,8 tấn/ha, cao hơn ruộng lúa ngoài mô hình 0,8 tấn/ha và chi phí giảm gần 800.000 đồng/ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, với kết quả xây dựng được bộ giống lúa tiềm năng đạt chất lượng cao, chống chịu hạn, mặn tốt sẽ giúp nông dân sản xuất an toàn hơn trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Bình quân mỗi năm, tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng lúa khoảng 200.000 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ, khuyến khích nông dân thay dần bộ giống mới phù hợp với từng vùng cùng với quy trình canh tác tiên tiến nhằm sản xuất an toàn, ổn định và nâng cao giá trị hạt gạo Trà Vinh.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm