Ngay từ mùa khô 2022, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, chủ động trong việc tích ngọt, ngăn mặn nhằm hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân trên địa bàn.
Tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong những năm vừa qua như Long Phú, Trần Đề, Kế Sách…, việc ngăn mặn, trữ ngọt đã được thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả.
Ngành chức năng đã chủ động tranh thủ tích ngọt để có nguồn nước đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho người dân trong những tháng mùa khô. Còn người dân cũng tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, tích cực ứng dụng và thực hiện các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, trữ nước trong các ao bạt để đủ nguồn nước tưới...
Đáng chú ý nhất là việc xuống giống vụ Đông Xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3) được người dân hạn chế đến mức thấp nhất. Nhiều cánh đồng trước đây vốn được người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 thì trong mùa khô năm na đã phủ màu xanh của cây màu xuống chân ruộng hoặc phơi đất. Điều này vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa phòng tránh được hạn hán và xâm nhập mặn.
Chị Nguyễn Thị Thùy ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề cho biết, vụ này gia đình trồng dưa hấu, đang gần đến ngày thu hoạch. Năm nay, nguồn nước ngọt được đảm bảo nên dưa trồng phát triển rất tốt. Nhà chị rất mừng vì có được vụ dưa thành công ngay mùa hạn.
Theo chia sẻ của anh Trần Anh Nhân ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, những năm trước, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng nặng nề đến vườn cây ăn trái của gia đình và các hộ dân xung quanh. Mùa khô năm nay, nhờ chủ động tích ngọt, ngăn mặn từ đầu mùa khô, nhất là đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp gia đình tăng hiệu quả tưới tiêu, giảm chi phí và giữ được nguồn nước ngọt ổn định. Đến nay, hơn 3 ha vườn vú sữa của gia đình vẫn cho trái đều đặn, đảm bảo thu nhập trong mùa khô và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, đối với nguồn nước phục vụ sản xuất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong những năm qua như vùng Long Phú - Tiếp Nhựt, Trần Đề, Kế Sách…, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất và né mặn.
Hiện Chi cục Thủy lợi cũng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc vận hành các cống để vừa đảm bảo giao thông, vừa ngăn mặn hiệu quả, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động của hạn hán và xâm nhập mặn đến đời sống, sản xuất.
Cùng đó, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng tiến hành quan trắc mặn, thông báo số liệu hàng ngày qua email, hộp thư điện tử, hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân biết, chủ động kiểm tra nguồn nước phục vụ sản xuất; thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước tại khu vực cống đầu nguồn, vận hành các cống, tranh thủ lấy nước vào khi nồng độ mặn cho phép.
Tại các huyện vùng trũng như Ngã Năm, Thạnh Trị..., sản xuất lúa của người dân cũng được đảm bảo. Các trà lúa đang phát triển xanh tốt và tránh được tác động của hạn mặn nhờ có cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) - một công trình tiêu biểu cho sự điều tiết nước và giải quyết được bài toán tranh chấp mặn ngọt của người dân giữa vùng nuôi tôm và vùng trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Lưu ở phường 3 (thị xã Ngã Năm) chia sẻ, từ khi có cống Âu Thuyền Ninh Quới, xâm nhập mặn đã không còn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân gay gắt như trước đây. Nông dân luôn an tâm khi sản xuất dù vào những tháng cao điểm mùa hạn. Năm nay, nước mặn không hề xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng nên không có ảnh hưởng gì đến sản xuất của các hộ dân trên địa bàn.
Theo ông Phan Văn Hùng, Phụ trách quản lý, vận hành Cống Âu thuyền Ninh Quới, trong mấy ngày qua, độ mặn tại cửa cống này đã giảm đáng kể. Hiện tại công trình này vẫn đang vận hành đóng, mở 24/24 để kiểm soát mặn, đồng thời điều tiết lưu thông của các phương tiện giao thông thủy.
Nhờ có Cống Âu thuyền Ninh Quới, việc ngăn mặn, giữ ngọt được chủ động hoàn toàn. Cống Âu thuyền Ninh Quới là một công trình lớn, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm ngàn ha đất trồng lúa, rau màu cho người dân ở cả 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Sau 2 năm công trình này đưa vào vận hành đã giúp cho các trà lúa của nông dân 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang an toàn, đảm bảo có được nguồn nước ngọt đến cuối vụ.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm nay dự kiến không gay gắt như trong các năm 2019 và 2020. Dù vậy, ngành nông nghiệp luôn bố trí lực lượng trực tại các cống để khi có điều kiện thích hợp thì mở cống để tích ngọt.
Hiện độ mặn trên địa bàn cũng đã lên cao, ở mức 4‰ và đã xâm nhập sâu vào khoảng 35 - 40 km nhưng vẫn chưa ở mức độ phức tạp và theo dự báo tháng 4 này sẽ ở mức cao. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai giải pháp công trình và phi công trình để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phòng, chống hạn, mặn hiệu quả nhất.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn rà soát lại các hệ thống cống để đảm đảm bảo vận hành tốt, phát huy hiệu quả cao trong ngăn mặn, trữ ngọt; tích cực nạo vét kênh tạo nguồn, kênh thủy lợi nội đồng để tăng khả năng trữ ngọt, phục vụ tốt cho sản xuất của người dân tại các địa phương.
Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp và cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến độ mặn tại các cửa sông, cống. Qua đó, giúp người dân tiếp nhận kịp thời, chủ động điều tiết sản xuất. Quan trọng nhất là ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động trong việc cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn.
Chanh Đa