Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2022, một số loại hình thiên tai như xâm nhập mặn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, kênh, rạch thường xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tình hình xâm nhập mặn mùa khô các năm 2020-2021, 2021-2022 không gay gắt như năm 2019-2020 nhưng lại ở mức xấp xỉ thời điểm mặn lịch sử năm 2015-2016, độ mặn trên các cửa sông xuất hiện muộn và chậm lấn sâu vào nội đồng. Nhờ sự chủ động ứng phó và có kinh nghiệm trong phòng, chống hạn mặn, trong những thời điểm hạn mặn năm 2020-2021, 2021-2022, tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ thành công sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô.
Trong 9 tháng năm 2022, địa bàn tỉnh xảy ra 15 cơn lốc xoáy gây thiệt hại 213 căn nhà (sập 1 căn, tốc mái 212 căn), đổ ngã 28,92 ha hoa màu và 50 ha lúa, 985 cây ăn trái... Ước tính tổng thiệt hại khoảng hơn 6,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số lượng và mức độ. Trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, địa bàn tỉnh xảy ra 217 điểm sạt lở với chiều dài 15.689 mét, ước tính kinh phí xử lý khoảng 314,088 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 xảy ra 119 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 11.503m, kinh phí xử lý 245,156 tỷ đồng; 9 tháng năm 2022, xảy ra 98 điểm sạt lở với chiều dài 4.195m, kinh phí xử lý 68,932 tỷ đồng.
Mặc dù bão và áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh nhưng hiện tượng sóng to, gió lớn trên biển thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương rà soát lại lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng tình hình thực tế.
Trước, trong và sau mùa mưa bão, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, công trình trọng điểm, xung yếu (công trình đê bao, bờ bao bị sạt lở, xuống cấp…) và chỉ đạo giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đến nay, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai từ nay đến cuối năm ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng, cập nhật thông tin bản đồ cảnh báo thiên tai, trên cơ sở xác định vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và điểm an toàn để di dời tạm dân cư 11 địa phương trong tỉnh.
Các địa phương củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng xung kích ở cơ sở theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình huống cấp bách, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.
Hữu Chí