Mùa mưa năm 2022 đã chính thức bắt đầu và đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra.
Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2022, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc xoáy, sấm sét và gió giật mạnh, mưa lớn gây ngập cục bộ ở các vùng trũng, thấp. Dự báo, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông từ 11-13 cơn, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 4-6 cơn. Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra với tuần suất nhiều hơn vào những tháng cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Nam Bộ, triều cường kết hợp mưa lớn, mực nước có khả năng lên cao gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp.
Hiện tại, các tuyến kè bảo vệ bờ biển của tỉnh cơ bản ổn định nhưng luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau đánh giá, trên toàn tuyến đê biển Tây, đoạn từ sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm khoảng 23 km là thấp nhất vì chưa được đầu tư, nâng cấp nên thường xuyên bị triều cường gây ngập làm thiệt hại lớn.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đỉnh triều cao nhất ghi nhận được cách đây 10 năm chỉ 1,8 m. Hiện nay, đỉnh triều cao nhất đã đạt 2,64 m và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu đo được trong những năm gần đây, đỉnh triều cường luôn duy trì trung bình từ mức 2,5 - 2,6 m, có thời điểm cao hơn. Trong mùa mưa bão, bên cạnh nguy cơ từ các đợt triều cường, nguy hiểm nhất là tình trạng nước ùn có thể bất ngờ xảy ra, từ đó gây thiệt hại lớn.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Cà Mau, dù chưa bước vào cao điểm mùa mưa bão nhưng từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm chìm một tàu cá; gây sập, tốc mái, hư hỏng 44 căn nhà; thiệt hại 168ha muối. Bên cạnh đó, tình trạng triều cường dâng cao gây ngập nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân…
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xây dựng các phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển theo cấp độ rủi ro thiên tai; bao gồm phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; phương án ứng phó sạt lở, sụp lún và phương án về lốc xoáy, sét; phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, đặc biệt không được lơ là, chủ quan; rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại thiên tai; đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực biển Đông, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kéo theo như dông, sét, lốc, mưa lớn…
Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dông, lốc xoáy và gió giật mạnh, tránh để xảy ra thiệt hại đối với các công trình ven biển, trên đảo (lưu ý các công trình điện năng lượng tái tạo, các công trình khẩn cấp ven biển). Bên cạnh đó, khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai hiện có, đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, các trạm bơm, cống ngăn triều...; tổ chức tuần tra, xác định các trọng điểm xung yếu, phát hiện kịp thời các sự cố và bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nhằm để đảm bảo sản xuất, chủ động vận hành hợp lý các trạm bơm, hệ thống cống trên đê biển Tây, đê Sông Đốc, đê sông Cái Tàu để chống ngập úng, điều tiết nước phục vụ sản xuất; kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu neo đậu, chủ động sửa chữa các hư hỏng; tiến hành nạo vét luồng lạch và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, nhanh chóng rà soát, hướng dẫn lịch mùa vụ, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, khu vực hải đảo.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương cần khẩn trương cập nhật các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, đặc biệt là các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất…
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng - thuỷ văn diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp. Dông lốc và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại địa phương. Mức độ thiệt hại đến con người, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội rất lớn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đánh giá, các loại hình thiên tai này thường khó dự báo chính xác. Do địa bàn rộng, bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch, việc thông tin đến người dân gặp nhiều khó khăn. Để ứng phó với loại hình thiên tai này, ngoài biện pháp thông tin, tuyên truyền, tỉnh còn sử dụng kết hợp phương án cắm biển cảnh báo tình hình sạt lở. Đến nay, tỉnh đã cắm 541 biển cảnh báo sạt lở trên 365 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân.
Huỳnh Anh