Sóc Trăng phát triển sản phẩm du lịch từ văn hóa Khmer

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 30% dân số của tỉnh (khoảng 361.000 người). Toàn tỉnh có 93 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Tỉnh xác định phát triển du lịch đến năm 2030 là nền kinh tế mũi nhọn, trong đó phát triển du lịch tâm linh gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer là trọng tâm.

vna_potal_doc_dao_ngoi_chua_khmer_duoc_lam_tu_chen_kieu_7178491.jpg
Sân chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn) được lát gạch hoa và một ngôi sala trong chùa. Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Cách trung tâm tỉnh Sóc Trăng khoảng 10km, chùa Chén Kiểu (còn gọi là chùa Sà Lôn) là ngôi chùa Khmer ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên được nhiều du khách trong nước biết đến với kiến trúc độc đáo.

vna_potal_doc_dao_ngoi_chua_khmer_duoc_lam_tu_chen_kieu_7178501.jpg
Hành lang chánh điện chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn) với tường, cột đều được đắp bằng chén kiểu. Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Ông Lâm Sơn Hiển, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Tâm cho biết, nét nổi bật đặc trưng của chùa Chén Kiểu là ở những bức tường được gắn các mảnh chén, đĩa, sành sứ hết sức công phu. Mỗi năm có trên 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Đại Tâm tham quan, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer; tham quan kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Chén Kiểu. Đến Đại Tâm, du khách còn được mua sắm những sản phẩm truyền thống của đồng bào Khmer nơi đây, như: Cốm dẹp, bánh gừng, bánh ghế…. Từ đó tạo điều kiện cho người Khmer tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững. Hiện, thu nhập bình quân của người dân xã Đại Tâm trên 76,2 triệu đồng/người/năm…

vna_potal_doc_dao_ngoi_chua_khmer_duoc_lam_tu_chen_kieu_7178500.jpg
Bên trong chánh điện chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn) thờ duy nhất Phật Thích Ca. Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Ông Phòng Phú Thịnh, người dân xã Đại Tâm chia sẻ, dân tộc Khmer nơi đây luôn tự hào và tự gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Ngoài kiến trúc đặc sắc từ chùa Chén Kiểu, đồng bào phát triển các câu lạc bộ nhạc ngũ âm, múa truyền và nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của dân tộc Khmer để giới thiệu, bán cho du khách, tăng thêm thu nhập.

vna_potal_doc_dao_ngoi_chua_khmer_duoc_lam_tu_chen_kieu_7178498.jpg
Các mảnh chén, dĩa sứ kiểu được ốp trang trí trên tường, cột của chánh điện chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn). Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Chị Huỳnh Thị Lan, du khách tới từ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tới Sóc Trăng, chúng tôi mong muốn đến thăm những ngôi chùa Khmer để tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của đồng bào; thưởng thức các món đặc sản địa phương. Sau khi đến tham quan chùa Chén Kiểu, chị Lan rất ấn tượng với kiến trúc độc đáo của ngôi chùa; sự hòa đồng, hiếu khách, nhiệt tình với du khách của đồng bào Khmer khi giới thiệu về lịch sử các di tích, giá trị sản phẩm nông sản, ý nghĩa đặc sản, ẩm thực của đồng bào.

vna_potal_doc_dao_ngoi_chua_khmer_duoc_lam_tu_chen_kieu_7178497.jpg
Các hoa văn được đắp nổi bằng chén kiểu trên tường ngôi sala trong chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn). Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Còn tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, làng nghề đan đát của đồng bào Khmer cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Để giữ gìn và phát huy những sản phẩm truyền thống của đồng bào, chính quyền địa phương xây dựng Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.

Theo bà Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, hiện Hợp tác xã có trên 700 sản phẩm cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Hợp tác xã đang hướng tới liên kết sản xuất kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân, từ đó từng bước nâng cao giá trị của làng nghề, quảng bá sản phẩm đến du khách tham quan.

vna_potal_nguoi_phu_nu_“thoi_hon”_vao_san_pham_may_tre_dan_truyen_thong_7259957.jpg
Chị Trương Thị Bạch Thủy (áo xanh) giới thiệu sản phẩm với du khách. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, 93 chùa Khmer trong tỉnh có nét kiến trúc độc đáo, đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi đến với Sóc Trăng. Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 28/2/2022, thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển 10 sản phẩm chủ lực để triển khai hiệu quả, tỉnh sẽ đầu tư khai thác tại 4 điểm chùa: Mahatup (chùa Dơi), Sro Lôn (chùa Sà Lôn, chùa Chén Kiểu), Bô Tum Vong Sa Som Rong, chùa Prés Buône Prés Phék (chùa Bốn Mặt).

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, Sở đang triển khai kế hoạch thực hiện mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, năm 2024 tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Dự án nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Dự án sẽ hình thành câu lạc bộ giới thiệu các loại hình văn hóa - văn nghệ, nghề truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó ngành chức năng sẽ tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành múa Romvong, truyền dạy và hướng dẫn thực hành phương pháp, kỹ năng quết cốm dẹp, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, đạo cụ, dụng cụ phục vụ mô hình,…

Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, đầu năm 2024 đến nay, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh tham quan đạt 2.449.963 lượt, trong đó khách quốc tế là 51.903 lượt, khách lưu trú đạt 418.473 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.323 tỷ 148 triệu đồng.

Tỉnh đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên yếu tố văn hóa Khmer, như: Phát triển các sản phẩm nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ thuật Rô Băm, múa Romvong và nhạc ngũ âm, đua ghe ngo,... Đồng thời, tỉnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer ở địa phương, góp phần xây dựng Sóc Trăng trở thành nơi có những di sản và lễ hội văn hóa nổi bật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm