Vào ngày 26/5, người dân thế giới sẽ được chứng kiến 2 hiện tượng thiên văn kỳ thú xảy ra đồng thời, đó là hiện tượng siêu trăng và hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Các nhà thiên văn học gọi hiện tượng thiên văn kép mang tên Siêu Trăng Máu này là "buổi trình diễn chỉ xảy ra một lần trong một thập kỷ".
Hiện tượng Siêu Trăng Máu trên bầu trời Tours, miền Trung Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu bầu trời quang đãng, bất kỳ ai sống ở khu vực giữa Australia và miền Trung nước Mỹ đều có thể nhìn thấy một Mặt Trăng khổng lồ, màu đỏ cam và sáng rỡ trong khoảng thời gian từ 11h11 đến 11h25 theo giờ GMT ngày 26/5 (tương đương 18h11 đến 18h25 cùng ngày theo giờ Việt Nam) - tức lúc tối muộn ở thành phố Sydney (Australia) và trước khi bình minh ở Los Angeles (Mỹ). Vào thời điểm ấy, Mặt Trăng sẽ nằm hoàn toàn trong cái bóng của Trái Đất, trở nên tối đi và chuyển sang màu đỏ. Không giống như nhật thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực này một cách an toàn bằng mắt thường.
Lần nguyệt thực này sẽ khác so với những gì thường diễn ra, do xảy ra cùng thời điểm một "siêu trăng", khi Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất khoảng 360.000 km. Tại thời điểm đó, Mặt Trăng có thể sáng hơn tới 30% và lớn hơn 14% so với khi Mặt Trăng ở điểm xa nhất so với Trái Đất - chênh lệch khoảng 50.000 km.
Theo ông Andrew Jacobs - một chuyên gia thiên văn học tại Sydney, địa điểm có thể quan sát hai hiện tượng này một cách hoàn hảo nhất là tại Australia, New Zealand, các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương và New Guinea, trong khi người dân sống tại Mỹ cũng có thể quan sát hiện tượng này vào lúc sáng sớm song không hoàn chỉnh. Ông cũng cho biết, hiện tượng này không thể quan sát tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Hiện tượng Siêu Trăng Máu tiếp theo dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2033.
Thanh Phương