Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển ngành nghề, mở rộng thị trường và khai thác lợi thế, tiềm năng của các sản phẩm nông sản vùng miền đến gần với người tiêu dùng. Từ đây, mỗi sản phẩm OCOP đã mang thêm một vai trò là "đại sứ" văn hóa của từng vùng, miền.
Là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, tỉnh Hà Giang xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và nét văn hóa phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương. Tỉnh hiện có hơn 7.000 ha diện tích chè Shan Tuyết Cổ Thụ núi cao trên 600 m và riêng huyện Hoàng Su Phì có 4,6 nghìn ha; trong đó, có 141 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, sản lượng toàn huyện trung bình 13 nghìn tấn búp tươi/năm. Sản lượng sau chế biến ước đạt gần 3 nghìn tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 344 tỷ đồng, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết: Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Su Phì đã từ lâu gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và mưu sinh của người dân. Xác định tiềm năng sản phẩm đặc trưng có thế mạnh phát triển hàng hóa giá trị cao, chính quyền huyện đã thực hiện xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết địa phương như: Ban hành nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đột phá cây chè Shan tuyết Hoàng Su Phì; trong đó, nghị quyết đề ra tập trung quan tâm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất chế biến chè Shan tuyết tăng giá trị theo hướng hữu cơ. Từ đó, huyện đã thu hút thêm 57 cơ sở sản xuất chế biến chè; trong đó, có 3 công ty, 10 hợp tác xã và 45 hộ gia đình.
Từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ cùng với kinh nghiệm chế biến truyền thống của dân tộc Dao, Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì đã sản xuất hai sản phẩm tiêu biểu được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đó là trà xanh gói 100gr và hồng trà gói 100gr mở ra cơ hội mới về phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Để tạo sự khác biệt, lợi thế so sánh, hợp tác xã chú trọng bảo tồn, khai thác giá trị nguyên khai của vùng nguyên liệu chè Shan tuyết bản địa để tạo ra sản phẩm chè hữu cơ.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay cả nước đã có 14.208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 7.894 chủ thể OCOP. Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi sản phẩm được công nhận OCOP là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%.
Đặc biệt, Chương trình OCOP đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị; được lan tỏa và tiêu thụ mạnh gắn với bán hàng trực tuyến (tương tác) trên mạng xã hội, đặc biệt là ở TikTok shop. Nhờ đó, không ít sản phẩm OCOP đã vươn xa ra thị trường thế giới...
Để phát triển các sản phẩm OCOP, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình tài chính, tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho chương trình OCOP. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ, bố trí nguồn vốn cho các địa phương để triển khai Chương trình OCOP trong tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ, các địa phương đã chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng để triển khai chương trình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết các chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp; trong đó có sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, việc các địa phương có cơ chế thưởng cho các chủ thể OCOP khi có sản phẩm được công nhận "sao" ở các cấp cũng tạo động lực lớn cho các chủ thể OCOP không ngừng vươn lên. Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ. Ngoài ra, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Hằng Trần