Sản phẩm hợp tác xã đã bắt nhịp thị trường xuất khẩu

Bưởi da xanh Bến Tre của Việt Nam đã có mặt tại siêu thị ở Mỹ. Ảnh: TTXVN
Bưởi da xanh Bến Tre của Việt Nam đã có mặt tại siêu thị ở Mỹ. Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu vẫn gặp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất nhưng không ít hợp tác xã vẫn ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài. Điều này cho thấy sự chủ động của các hợp tác xã để thích ứng và có kế hoạch kinh doanh phù hợp nhằm tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Sản phẩm hợp tác xã đã bắt nhịp thị trường xuất khẩu ảnh 1Các sản phẩm chế biến từ nho của Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Những ngày này, tại Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre đang tấp nập chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu vào dịp rằm Trung thu tới. Với đơn hàng đã ký kết với doanh nghiệp, mỗi tuần hợp tác xã đều giao tối thiểu 1 container 40 feet với sản lượng trên 20 tấn cho khách hàng.

Cùng đó, để tìm kiếm đối tác cũng như nâng cao kỹ năng cho thành viên, hợp tác xã vẫn duy trì đơn hàng trong nước và tham gia hội chợ trong và ngoài nước với mục đích xúc tiến thương mại để sản phẩm của hợp tác xã vươn xa.

Đại diện Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre chia sẻ, nhằm đảm bảo đơn hàng, hợp tác xã đang liên kết với 500 nhà vườn sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ EU.

Sản phẩm hợp tác xã đã bắt nhịp thị trường xuất khẩu ảnh 2Bưởi da xanh Bến Tre của Việt Nam đã có mặt tại siêu thị ở Mỹ. Ảnh: TTXVN

Không những thế, hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp, đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói để có chất lượng an toàn. Điều này khiến quả bưởi da xanh của hợp tác xã không chỉ đẹp về mẫu mà còn đảm bảo về chất lượng, từ đó thu hút doanh nghiệp liên kết xuất khẩu.

Tương tự, sản phẩm trà chanh đào mật ong của Hợp tác xã Hà Phong tỉnh Hoà Bình cũng mới được xuất khẩu sang thị trường Anh. Đặc biệt, trước khi được đóng thùng quy cách để xuất khẩu, sản phẩm trà chanh đào mật ong được lấy mẫu phân tích, kết quả đều đạt chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Mới đây, có tới 8 sản phẩm của 6 hợp tác xã đã tham dự lễ xuất hàng nông sản tỉnh Yên Bái sang thị trường Anh Quốc với sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 - 4 sao của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cụ thể, 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Hồng trà Shan Tuyết và Diệp trà Shan Tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và sản phẩm OCOP 3 sao gồm 2 sản phẩm của Hợp tác xã Quế Khánh Thành (huyện Trấn Yên); chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (huyện Trấn Yên); miến đao xã Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng (huyện Trấn Yên) và miến đao Giới Phiên của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Miến đao Giới Phiên (TP Yên Bái); gạo nếp tan Tú Lệ (loại 2 kg và 5 kg/bao) của Hợp tác xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn).

Sản phẩm hợp tác xã đã bắt nhịp thị trường xuất khẩu ảnh 3Sản phẩm miến đao của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh miến đao Giới Phiên ở thành phố Yên Bái đạt chất lượng sản phẩm nông nghiệp "OCOP" 4 sao năm 2021. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trước đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Thành (huyện Trấn Yên) đã xuất container măng tre Bát Độ đầu tiên sang Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đến nay, hợp tác xã đã liên kết với 1 doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu thêm 12 chuyến container măng Bát Độ sang thị trường Nhật Bản với doanh thu 46.000 USD/chuyến.

Mặc dù Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) chưa chính thức xuất khẩu nhưng giữa tháng 6 vừa qua cũng đã ký kết đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh không hạt với một doanh nghiệp để sắp tới xuất khẩu sang một số thị trường thuộc châu Á, châu Âu trong thời gian 10 năm. Việc ký kết hợp đồng không chỉ giúp quả chanh không hạt có đầu ra thuận lợi mà còn giúp thành viên có lãi ít nhất 20% sau khi trừ các khoản chi phí.

Nhận định từ các chuyên gia, dù các hợp tác xã có cách tiếp cận khách hàng riêng nhưng qua đó cho thấy sự đổi mới trong nhận thức; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng và thời điểm cung cấp cụ thể sẽ nhanh chóng tiếp cận được khách hàng và đi đến ký hợp đồng xuất khẩu.

Sản phẩm hợp tác xã đã bắt nhịp thị trường xuất khẩu ảnh 4Nông dân Đắk Lắk thu hái cà phê quả chín đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Thế nhưng, thách thức lớn đối với hợp tác xã hiện nay chính là áp lực thị trường, dòng vốn, thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chẳng hạn như xuất - nhập khẩu chịu tác động rõ nét hơn từ sự sụt giảm mạnh nhu cầu tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc. Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế với nhiều hợp tác xã vẫn còn cao nên không thể tiếp cận được.

Nhằm tạo điều kiện cho các phát triển sản xuất, thời gian qua đã có những chính sách cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nhưng số hợp tác xã đủ mạnh, đủ điều kiện để tiếp cận những nguồn vốn này vẫn hạn chế. Gần đây, Nhà nước cũng có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ hợp tác xã trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp người dân, hợp tác xã doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, rất ít hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn này trong khi thời gian áp dụng hỗ trợ từ nghị quyết này chỉ kéo dài đến 31/12/2023.

Chính vì vậy, nhiều hợp tác xã mong muốn Nhà nước nên xem xét nới thời gian của chính sách này để mở thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho hợp tác xã. Cùng đó, phía ngân hàng, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh, tập trung hướng dẫn cụ thể quy trình cho vay, thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã đủ điều kiện tiếp cận vốn.

Nhờ tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V-Phúc (Kim Thành) được vay gần 3,5 tỷ đồng từ nguồn Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Qua đó, hợp tác xã đã phối hợp Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa (thành phố Hải Dương) xây dựng cơ sở chế biến nông sản khép kín rộng 2.000 m2 để phục vụ xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương đánh giá, thời gian qua, nhiều hợp tác xã trong tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ chất lượng sản phẩm đến quản lý, điều hành. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn là rào cản lớn với hợp tác xã.

Do đó, để tiếp thêm động lực cho hợp tác xã phát triển, Liên minh Hợp tác xã Hải Dương sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp trên ban hành nhiều chính sách ưu đãi về vốn cũng như hạn mức vay và đối tượng vay được mở rộng hơn trong thời gian tới.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm