Rượu cần là nét văn hóa độc đáo của người Mạ ở Cát Tiên (Lâm Đồng) |
Ngoài gạo tẻ, gạo nếp là nguyên liệu chính thì ủ rượu cần không thể thiếu chất men truyền thống được làm từ lá, vỏ và rễ các loại cây rừng như Rờ hộch, Mó, M’năng, Đôn, Hóc Cải Cọp... Các loại lá, vỏ và rễ cây rừng này được bà con người Mạ lấy về phơi khô, tán nhỏ rồi dùng ủ rượu theo công thức gia truyền. Sau đó, lấy lúa phơi khô, rang chín rồi đem giã nát trộn với hỗn hợp các loại lá, vỏ và rễ cây rừng rồi nặn thành từng khối men hình tròn. Men sau đó được gác lên giàn bếp từ 3 đến 4 tuần rồi đưa xuống ủ rượu. Cũng vì thế, men chính là yếu tố quyết định đến chất lượng của những ché rượu cần thơm, ngon, cay nồng của người Mạ. Nói về cách ủ rượu cần theo công thức truyền thống của người Mạ, chị Điểu Ka Út (ngụ tại thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) chia sẻ: “Sau khi chuẩn bị được men, đem gạo nấu chín để nguội và bóp cho cơm tơi ra rồi đem men trộn đều. Sau đó, lót một lớp lá chuối khô ở đáy ché cho cơm vào, tiếp tục phủ lên một lớp lá chuối khô buộc kín miệng đem đi ủ. Khoảng một tháng sau là rượu chín, nhưng để càng lâu thì rượu càng thơm ngon, nước rượu càng ngọt, nồng chứ không bị chua hay đắng”.
Trong tâm linh của người Mạ ở Cát Tiên, rượu cần được ví như một nhân chứng và là phương tiện truyền lời của bà con tới Yàng (thần linh). Vì vậy, người Mạ quan niệm rằng, mỗi khi cúng thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. |
Còn theo ông K’Lang, một người ủ rượu cần có tiếng tại thôn Phước Thái (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), thì ủ rượu cần là công việc thường xuyên mà ông đã và đang làm hàng chục năm nay. Các công đoạn làm nên một ché rượu cần thơm, ngon được ông học từ cha mẹ của mình. Ngày trước, ông ủ rượu cần để phục vụ cho nhu cầu của gia đình là chính và sau đó có ai nhờ thì ông ủ giúp. Cũng từ đó, khi thưởng thức rượu cần của ông K’Lang làm, bà con trong thôn ai cũng khen rượu thơm ngon. Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn tìm đến thuê ông ủ rượu nên ông đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông K’Lang ủ và xuất bán ra thị trường khoảng 300 ché rượu cần. Chỉ tính riêng dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, ông K’Lang đã xuất bán được hơn 100 ché rượu cần, với giá từ 200 - 500 ngàn đồng/ché. “Quy trình làm rượu cần không khó, nhưng để ủ được ché rượu ngon cần phải biết cách, mà đặc biệt là cách làm men. Mỗi ché rượu của từng gia đình có mỗi vị khác nhau, với nhạt, chua, cay, nồng, ngọt, thanh, đậm… Riêng gia đình tôi, ngoài việc kiếm thêm thu nhập thì làm rượu cần còn là cách để tôi gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình” - ông K’Lang cho biết.
Trong tâm linh của người Mạ ở Cát Tiên, rượu cần được ví như một nhân chứng và là phương tiện truyền lời của bà con tới Yàng (thần linh). Vì vậy, người Mạ quan niệm rằng, mỗi khi cúng thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. Đây cũng là lý do mà rượu cần là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ cúng của người Mạ ở Cát Tiên như: Lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới hay lễ ăn trâu... Trong lúc thưởng thức rượu cần, trai gái, già trẻ của đồng bào người Mạ nơi đây cùng quây quần nhảy múa bên bếp lửa hồng và hát cho nhau nghe những bài ca chứa chan ân tình: “Anh ở bên này ghè rượu/Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời/Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi một nửa còn bên ấy/Bạn tình ơi!/Bên này trái tim, bên ấy trái tim... Rượu chảy về hai bên, men say còn ở giữa/Lửa phừng phừng bứt tượt áo nuk - kiar/Ơi chân trời lửa bên em sao mà xa ngái thế/Đường gấp khúc trái tim sâu thăm thẳm đáy men nồng...”.
Cùng với đó, trong cuộc sống hàng ngày, rượu cần còn được xem là sản vật của núi rừng để đãi khách, nên hầu hết trong gia đình đồng bào Mạ đều có một ché rượu cần được ủ sẵn. Nói cách khác, rượu cần có ở hầu hết các cuộc vui, buồn của người Mạ ở Cát Tiên. Mỗi cuộc rượu có một cách uống khác nhau. Lời cúng mở rượu cần trước khi uống là nghi lễ không thể bỏ qua của người Mạ ở bất cứ cuộc uống rượu cần nào.
Men ủ rượu cần của người Mạ. |
Đối với người Mạ nơi đây, nếu là lễ làng thì người mời rượu phải là người uy tín trong buôn làng (đó chính là già làng). Còn trong gia đình thì người phụ nữ lớn tuổi nhất sẽ là người mời rượu. Theo quan niệm của người Mạ, người phụ nữ mới là trụ cột gia đình.
Ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 10 gia đình dân tộc Mạ đang giữ nghề làm rượu cần truyền thống để bán ra thị trường. Tuy chưa tạo dựng được thương hiệu và việc sản xuất chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, nhưng nhờ cách ủ truyền thống, cùng với men rượu đặc trưng nên rượu cần của bà con rất được khách hàng gần xa ưa chuộng. Vì đây là nét văn hóa truyền thống của người Mạ cần lưu giữ, bảo tồn nên xã đang tạo mọi điều kiện để các gia đình này duy trì nghề làm rượu cần”.
Theo baolamdong.vn