Biểu diễn nghệ thuật dân gian đồng bào Chăm trên tháp Pô Sah Inư.
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
|
Lễ hội Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần như Ppo Klaung Girai, Ppo Rome… và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.
Mở đầu phần lễ là một nghi thức quan trọng, lễ nghinh, thỉnh và rước y trang nữ thần Pô Sah Inư từ sân lễ đến tháp chính. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo đạo Bàlamôn và Bàni, lễ rước y trang của nữ thần diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc. Sau nghi thức rước y trang là những nghi thức truyền thống như, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga-Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê trước tháp chính…
Phần hội diễn ra rất sôi nổi với các hội thi và các trò chơi dân gian như, thi trưng bày, trang trí lễ vật, thi dệt thổ cẩm, làm bánh gừng, đội nước vượt chướng ngại vật, thổi kèn Saranai…
Lễ hội Katê hàng năm của đồng bào Chăm thường diễn ra trong một không gian lớn, bắt đầu từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình. Để tạo thêm sân chơi cho bà con và du khách, các địa phương và Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: triển lãm, trưng bày các hiện vật gốc có giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm; thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thi viết chữ Chăm truyền thống…
Nghi thức thỉnh rước kiệu trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp Pô Sah Inư.
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
|
UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp đủ điện, nước cho bà con vui lễ hội Katê; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ các thôn, xã vùng đồng bào Chăm sinh sống.
Dịp này, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đến thăm, tặng quà và chúc Tết đồng bào người Chăm; thăm, chúc Tết các chùa, chức sắc, các đối tượng chính sách, gia đình người Chăm tiêu biểu trong tỉnh...
Bình Thuận hiện có hơn 40.000 người Chăm sinh sống (đạo Bàlamôn khoảng 18.000 người), chiếm 3,2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Chăm ở Bình Thuận có rất nhiều lễ hội mang đậm sắc thái riêng như: Lễ hội Ramưwan, lễ Rija Nưgar, lễ Chabun…
Trong những năm qua, Bình Thuận luôn quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào Chăm. Đến nay tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đồng bào Chăm có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,86% (năm 2004 là 25%); sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào Chăm được đầu tư phát triển mạnh, đã thực hiện cơ giới hóa 95% khâu làm đất (tăng 43% so với năm 2004)…/.