Các nhà khoa học tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã phát triển được một robot cá có khả năng hút những mảnh vi nhựa trôi nổi dưới đại dương, trong tương lai có thể giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm biển.
Robot dài khoảng 1,3 cm và chuyển động linh hoạt nhờ laser cận hồng ngoại làm biến dạng vật liệu ở phần đuôi. Robot có thể bơi quãng đường gấp 2,67 chiều dài cơ thể mỗi giây - nhanh hơn so với hầu hết các robot mềm nhân tạo khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết một số thành phần trong vi nhựa có liên kết hóa học rắn và tương tác tĩnh điện với vật liệu của robot cá nên robot có thể "ăn" vi nhựa xung quanh rồi đưa vi nhựa đến nơi được chỉ định. Vật liệu nanocomposite trong robot có hiệu suất tự phục hồi lên đến 89%. Do đó, robot có thể hấp thụ các chất ô nhiễm, khôi phục độ bền và chức năng của mình kể cả khi bị hư hại.
Hiện robot cá chỉ có thể thu thập vi nhựa ở vùng nước nông. Tuy nhiên, nhà khoa học Wang Yuyan - một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết họ đang nghiên cứu phát triển robot từ vật liệu mới có thể hoạt động sâu dưới nước và phát hiện vi nhựa theo thời gian thực, giúp ngăn chặn sự ô nhiễm trong tương lai.
Vi nhựa là những mảnh nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm, vốn là những gì còn sót lại của rác thải nhựa sau khi mục ra trong nước biển. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy, vi nhựa có thể đi vào chuỗi thức ăn của sinh vật biển và cuối cùng gây hại cho con người thông qua hải sản mà chúng ta tiêu thụ.
Đại học Kyushu (Nhật Bản) năm 2021 ước tính có 24.400 tỷ mảnh vi nhựa các loại ở tầng trên của đại dương, tương đương cân nặng của khoảng 30 tỷ chai nước 500 ml làm bằng nhựa. Tuy nhiên, số lượng thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.
Phan An