Một loài rêu sa mạc nhỏ bé với khả năng hồi sinh phi thường sau nhiều năm đóng băng và khô hạn có thể trở thành chìa khóa cho tham vọng chinh phục vũ trụ của con người. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu mới đầy hứa hẹn của các nhà khoa học Trung Quốc.
Loài rêu mang tên Syntrichia caninervis này sở hữu khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt trên Trái Đất, như hạn hán và giá lạnh thấu xương. Nhờ đặc tính sinh tồn độc đáo, nó được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập sự sống của thực vật trên Sao Hỏa, mở đường cho triển vọng con người đặt chân đến "Hành tinh Đỏ".
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, được đăng trên tạp chí uy tín The Innovation ngày 3/7, cho thấy rêu Syntrichia caninervis có thể phát triển mạnh mẽ ở những môi trường khắc nghiệt như cao nguyên Tây Tạng, sa mạc Mojave và thậm chí cả Nam Cực. Bí mật của loài rêu này nằm ở khả năng "ngủ đông" trong nhiều năm, giúp nó vượt qua những giai đoạn thiếu nước và nhiệt độ cực đoan. Điều đáng kinh ngạc là khi được cung cấp nước trở lại sau thời gian dài "ngủ đông", Syntrichia caninervis có thể hồi sinh "trong vài giây". Khả năng phục hồi phi thường này đi kèm với chức năng quang hợp hiệu quả, biến đổi carbon dioxide (CO2) thành oxy và carbohydrate - những yếu tố thiết yếu cho sự sống của con người trên bất kỳ hành tinh nào.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy Syntrichia caninervis có thể tái sinh trong điều kiện bình thường sau 5 năm trải qua nhiệt độ -80 độ C và 30 ngày ở nhiệt độ -196 độ C. Khả năng thích nghi phi thường này khẳng định tiềm năng to lớn của loài rêu này trong việc chinh phục môi trường khắc nghiệt trên Sao Hỏa.
Để tiến xa hơn, các nhà khoa học đã đưa mẫu rêu Syntrichia caninervis vào buồng mô phỏng tại Trung tâm Khoa học Không gian quốc gia Bắc Kinh, nhằm đánh giá khả năng chống chịu các điều kiện giống Sao Hỏa. Buồng mô phỏng được thiết lập với thành phần không khí gồm 95% CO2, nhiệt độ dao động từ -60 đến 20 độ C và mức độ bức xạ tương tự như trên bề mặt Sao Hỏa. Họ phát hiện ra rằng rêu Syntrichia caninervis khô hoàn toàn có thể phục hồi hoàn toàn chỉ trong 30 ngày sau khi tiếp xúc với môi trường mô phỏng sao Hỏa trong 1, 2, 3 và 7 ngày. Ngay cả rêu đã được cung cấp nước trước đó cũng có thể sống sót sau một ngày trong điều kiện khắc nghiệt này, mặc dù quá trình tái sinh diễn ra chậm hơn.
Các nhà khoa học nhấn mạnh mặc dù còn nhiều thách thức cần giải quyết để tạo ra môi trường sống "tự cung tự cấp" trên các hành tinh khác, nghiên cứu này đã chứng minh tiềm năng to lớn của Syntrichia caninervis như một loài thực vật tiên phong cho sự sống trên sao Hỏa. Theo họ, loài rêu này có thể được xem là ứng cử viên đầy hứa hẹn trong việc cải tạo môi trường sao Hỏa, thúc đẩy các quá trình khí quyển, địa chất và sinh thái cần thiết cho sự phát triển của các loài thực vật và động vật bậc cao khác.
Nhà sinh học tế bào Li Xiaoshuang tại Viện Sinh thái và Địa lý học Tân Cương, tác giả chính của bài báo, chia sẻ về hành trình nghiên cứu kéo dài hai thập kỷ cùng loài rêu "kỳ diệu" này. Bà đã nêu bật khả năng chống chịu hạn hán và bức xạ vượt trội của Syntrichia caninervis. Trong khi hầu hết các loài thực vật sẽ chết nếu mất 30% nước trong tế bào, loài rêu này vẫn sống sót dù cạn kiệt nước.
Không dừng lại ở những thành công ban đầu, nhà sinh học Li Xiaoshuang và cộng sự đang tích cực tìm kiếm cơ hội để đưa mẫu rêu lên vũ trụ thực hiện các thí nghiệm tiếp theo. Mục tiêu của họ có thể là ngoài tầng không gian hoặc trên bề mặt của Mặt Trăng hay thậm chí chính Sao Hỏa.
Phương Oanh