Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh do chủng mới virus Corona diễn biến phức tạp, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan đưa ra cảnh báo kịp thời và các biện pháp hỗ trợ người dân trong thời gian ngắn. Hệ thống sẽ cập nhật thường xuyên và hiển thị tình trạng 47 bệnh viện trên toàn Thành phố, khả năng thu nhận bệnh nhân; vị trí, quãng đường di chuyển của các bệnh nhân nhiễm virus Corona cũng được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, số bệnh nhân dương tính, nghi ngờ nhiễm virus Corona tại Việt Nam và thế giới cũng được thông tin đến lãnh đạo và cán bộ của Sở Y tế.
Giới thiệu thêm về Trung tâm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cán bộ làm việc ở Trung tâm có thể liên lạc với bệnh nhân nhiễm virus Corona; cập nhật từng giờ, từng phút số ca mắc bệnh thay cho những báo cáo bằng giấy trước đây.
Cụ thể như, thay vì trực tiếp đi Củ Chi mỗi ngày, lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện có thể trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Dã chiến và quan sát hoạt động tại bệnh viện qua hệ thống camera giám sát. Điều này góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch do chủng mới virus Corona.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khởi động Trung tâm điều hành y tế thông minh. Ảnh: Đan Phương - TTXVN |
Cụ thể như, thay vì trực tiếp đi Củ Chi mỗi ngày, lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện có thể trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Dã chiến và quan sát hoạt động tại bệnh viện qua hệ thống camera giám sát. Điều này góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch do chủng mới virus Corona.
Tham dự buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động của ngành y tế Thành phố trong việc nắm bắt và cập nhật công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, khi đi vào hoạt động, Trung tâm điều hành y tế thông minh sẽ giúp ngành y Thành phố phát huy hết hiệu quả của cơ sở vật chất vốn có. Đặc biệt, việc đưa Trung tâm vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh do virus Corona đang diễn biến phức tạp, góp phần giám sát và phòng chống dịch hiệu quả.
Sáng cùng ngày (11/2), Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh. Đây được xem là bước đi quan trọng đầu tiên để xây dựng nên nền tảng giáo dục thông minh của thành phố.
Mô hình này do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) xây dựng, bao gồm các hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở bằng công cụ thông minh, trực tuyến; quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; hệ thống giám sát thời gian thực qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành giáo dục và đào tạo trên cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng… Đặc biệt, mô hình này còn góp phần tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập.
Tham dự buổi ra mắt mô hình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Giải pháp này có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích hoạt động tự học của học sinh trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch nCoV. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh học tập dễ dàng hơn cũng như góp phần hiện đại hóa nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp cận nguồn tài nguyên giáo dục quốc tế nhanh và thuận lợi hơn…
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những tác dụng nổi bật khi trung tâm vào hoạt động là người dân được phục vụ tốt hơn theo nhu cầu của mình. Ảnh: Đan Phương - TTXVN |
Hai mô hình này đều hướng đến việc đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố, có quy chế vận hành, quản lý trên cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu được cập nhật, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an ninh và bảo mật./.
H.Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN