Quảng Trị có nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển. Ảnh: dacsanquangtri.net |
Kinh phí để thực hiện mục tiêu trên là trên 98 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn khác. Để thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã sản phẩm”, tỉnh cũng tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị vừa phân hạng 19 sản phẩm cấp tỉnh thuộc Chương trình “Mỗi xã sản phẩm” đạt “ba sao” trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt “bốn sao”, 17 sản phẩm đạt “ba sao”. Gạo sạch Triệu Phong của Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong là một trong hai sản phẩm đạt “bốn sao” đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2015, Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong đã triển khai mô hình ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch ở các xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng thuộc huyện Triệu Phong. Để sản xuất ra lúa gạo sạch, bà con nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “ba không” gồm: không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay họ làm ra. Lúa sản xuất theo phương pháp này có giá trên 12.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với lúa thường. Khi mới thực hiện mô hình này, chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, hiện nay đã có gần 500 hộ tham gia sản xuất 30 ha lúa sạch. Ngoài ra, sản phẩm dầu lạc nguyên chất Super Green của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Từ Phong ở huyện Cam Lộ cũng đạt “bốn sao”. Các sản phẩm đạt “ba sao” hầu hết là đặc sản nổi tiếng của các địa phương như: hạt tiêu Cùa, cao cà gai leo, cao chè vằng, dầu mè nguyên chất của các xã ở huyện Cam Lộ; măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, cà phê Khe Sanh của huyện Hướng Hóa...
Nguyên Lý