Hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Vì vậy các hộ chăn nuôi cũng liên tục tăng đàn vật nuôi. Điều này đồng nghĩa dịch bệnh dễ phát sinh. Do đó, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Từ tháng 9/2024, anh Huỳnh Văn Hậu, thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành đã tái đàn 30 con lợn thịt để cung cấp thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Nhờ chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn và tiêm phòng đầy đủ nên đàn lợn của anh phát triển tốt. Theo anh Hậu, giá lợn với giá lợn hiện tại khoảng 65 nghìn đồng/kg và sẽ tiếp tục tăng, nên anh sẽ có một cái Tết no đủ.
Theo anh Lê Văn Chính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành, từ tháng 8/2024, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân định hướng phát triển đàn vật nuôi nhằm chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng vaccine đúng quy định. "Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân và các chủ trang trại nên sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí, không nên sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn bà con các giải pháp phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm", anh Chính, cho hay.
Tương tự, anh Lý Văn Hải, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh cũng đang tất bật chăm sóc cho đàn gà hơn 2 tháng tuổi để kịp xuất bán trong dịp Tết sắp tới. Theo anh Hải, trang trại của gia đình anh có diện tích hơn 500m2, được đầu tư xây dựng khép kín, đồng bộ với các trang thiết bị như hệ thống quạt thông gió giúp môi trường bên trong luôn thoáng khí, máng nước uống tự động... So với mô hình trang trại hở, trang trại khép kín sẽ đảm bảo nhiệt độ ổn định, giảm tiếng ồn, hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào.Trong quá trình nuôi, anh chủ động tiêm phòng vaccine theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất.
"Giai đoạn này, môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, mưa nắng thất thường nên thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và tồn tại lâu dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi bị giảm sút, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh tăng lên. Do đó, chăn nuôi theo hình thức khép kín sẽ giảm nguy cơ dịch bệnh, giúp đàn gà phát triển tốt hơn", anh Hải, cho biết.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có khoảng 6 triệu con gia cầm, 716 nghìn con gia súc. Công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các địa phương và người dân chú trọng thực hiện, nên các bệnh nguy hiểm ở vật nuôi cơ bản được kiểm soát, không xảy ra ổ dịch lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung, cho hay: Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và giảm thiểu tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi của người dân, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
"Chi cục đã phối hợp cùng các địa phương và các đơn vị chuyên môn tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế để xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp các cùng các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới", ông Đỗ Văn Chung, nhấn mạnh.
Đinh Hương