Quảng Ngãi tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, gắn sản xuất liên kết với tiêu thụ. Qua đó từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

vna_potal_quang_ngai_day_manh_tai_co_cau_nganh_nong_nghiep__7746713.jpg
Quảng Ngãi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ớt giúp tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: TTXVN phát

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cây trồng, những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã cùng với các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả.

Tại các xã Đức Thắng, Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, hàng chục ha đất lúa chân cao, thiếu nước đã được nông dân chủ động chuyển sang trồng lạc, ngô sinh khối.

Ông Nguyễn Tấn Vinh ở xã Đức Thắng cho biết: Vùng đất này những năm trước người dân chỉ sản xuất một vụ lúa Đông Xuân, rồi bỏ hoang do thiếu nước tưới vụ Hè Thu. Nhưng những năm gần đây, địa phương tiếp nhận mô hình chuyển đổi để trồng ngô sinh khối, người dân và địa phương rất đồng tình, ủng hộ triển khai thành công, giá trị cây ngô tăng 30 – 40% so với trồng lúa.

Trong khi đó, huyện Nghĩa Hành lại phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Đến nay, Nghĩa Hành đã hình thành được 32 vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế khá, với các loại cây chủ lực như: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối... Các vườn cây này mang lại thu nhập cho người dân bình quân khoảng 100 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả đạt gần 820ha. Chiến lược của huyện là đưa sản phẩm OCOP trái cây Nghĩa Hành trở thành loại hàng hóa có giá trị đóng góp cao trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung; hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, sản xuất theo nông nghiệp sạch.

Bên cạnh trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như: Sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa, sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động, xây dựng hệ thống xử lý chất thải để thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi tập trung.

vna_potal_quang_ngai_day_manh_tai_co_cau_nganh_nong_nghiep__7746717.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn tuần hoàn tại Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN phát

Chị Lê Thị Thùy Trinh ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức cho biết: Nhận thấy xu hướng chăn nuôi hiện nay là phải chăn nuôi an toàn, tôi đã chọn mô hình chăn nuôi gà ác đẻ trứng theo hướng sinh học. Với mô hình này, toàn bộ nguồn thức ăn là hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, chuồng trại được lắp đặt hệ thống phun nước làm mát tự động, có đệm lót sinh học để thu gom phân. Nhờ đó, gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh. Với 4.000 con gà ác đẻ trứng, bình quân mỗi ngày chị thu khoảng 1.500 trứng, mỗi quả trứng có giá 4-5 nghìn đồng, gia đình chị thu về khoảng 7 triệu/ngày.

Đối với thủy sản, ngành nông nghiệp đã cùng với chính quyền các địa phương tích cực hướng dẫn và vận động ngư dân phát triển các nghề khai thác mới như lưới chụp, lưới rê bùng nhùng, nghề câu cá ngừ đại dương, lồng bẫy, nhằm khai thác các đối tượng mới, đạt năng suất cao. Khuyến khích áp dụng các tiến bộ công nghệ trong khai thác, chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường.

Ngư dân Ngô Thanh Phong ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ cho biết: Trước đây tàu cá của anh chuyên nghề giã cào, nhưng nay tôi chuyển qua lưới rê và lưới vây, tùy theo thời tiết. Phương pháp đánh linh hoạt theo mùa đã giúp ngư dân đứng vững trước những cơn bão giá, phòng tránh được thiên tai và làm ăn ngày càng khấm khá.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong thời gian qua, khâu tổ chức phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng đã thu được những kết quả bước đầu, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ,... Đến nay, tỉnh có 53 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn; hình thành 25 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Thông qua liên kết, hợp tác xã và doanh nghiệp dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và nâng cao năng lực điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết, tăng khả năng hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng lợi nhuận cho hợp tác xã và hộ nông dân. Từ đó đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Nhờ thực hiện Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, sản xuất dần gắn liền với đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững tiếp tục được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị đất canh tác. Đây thật sự là đòn bẩy để ngành nông nghiệp và các địa phương phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Kế hoạch đã đề ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Quảng Ngãi phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 4 - 5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng 48 - 50%; giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác nông nghiệp đạt 100 triệu đồng; trên 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có 120 xã và 7 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới,...

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún của nông dân”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.

Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển đổi hơn 1.700 ha đất lúa sang các loại hoa màu. Sau chuyển đổi, trên cùng một đơn vị diện tích thì giá trị sau thu hoạch của các cây trồng mới cao hơn nhiều so với trồng lúa. Điển hình như cây ngô tăng hơn 9%, cây đậu xanh tăng 6%... Ngoài ra, các địa phương cũng xây dựng được nhiều phương thức luân canh, xen canh phù hợp mang lại hiệu quả cao.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm