Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm

Diện tích trồng cây mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Diện tích trồng cây mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Điện Biên thực hiện với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trở nên hiện đại, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Những kết quả của Đề án được thể hiện rõ hơn khi các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành “thương hiệu” mỗi khi nhắc đến Điện Biên.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm ảnh 1

Diện tích trồng cây mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Tỉnh Điện Biên thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có kết quả rõ nét hơn cả. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.000 ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây ăn quả, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất... Cùng đó, các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân.

Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo sau khi trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Khai thác lợi thế này, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch diện tích đất kém năng suất sang trồng xây có giá trị cao, năm 2023, huyện Tuần Giáo tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây mắc ca. Theo đó, huyện đã tập trung nguồn lực các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để trồng mới 980 ha mắc ca với gần 257.000 cây tại các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông...

Cây mắc ca trồng mới sinh trưởng tốt, tỷ lệ nảy mầm, bật chồi cao, đạt trên 98%. Đối với diện tích mắc ca được trồng từ những năm trước tiếp tục được chăm sóc, bảo vệ. Hiện toàn huyện có gần 1.000 ha trồng mắc ca đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước đạt gần 3.000 tấn quả tươi.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm ảnh 2Cắt tỉa cành mắc ca. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Theo bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, hiện tại huyện đã thành lập 155 tổ hợp tác ở 18 xã tham gia trồng cây mắc ca theo liên kết chuỗi giá trị thông qua nhà đầu tư. Mới đây, huyện Tuần Giáo ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Tập đoàn TH về cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong 50 năm, với đơn giá theo giá thị trường Australia. Gần đây nhất, UBND huyện Tuần Giáo và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, hiệp hội cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trồng tại Tuần Giáo theo giá thị trường, nhưng tối thiểu không thấp hơn 85% giá mắc ca trên thị trường thế giới khi người dân có nhu cầu bán cho hiệp hội và các đơn vị thành viên của hiệp hội.

Cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên) rộng 4.100 ha, là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ðể nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Ðiện Biên đã xác định thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với tổng diện tích gần 350 ha; triển khai dự án hỗ trợ “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất” với tổng diện tích 150 ha; hỗ trợ máy cấy lúa, khay mạ để mở rộng diện tích cấy...

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên chia sẻ, huyện đang nghiên cứu để đưa vào ứng dụng một số khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị cây lúa trên địa bàn. Cùng đó, huyện cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng hóa mô hình tạo sinh kế cho bà con…

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm ảnh 3Quả mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cấp, ngành tích cực phối hợp trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch, đất đai, địa điểm khảo sát đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hết năm 2023, đã có 4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chấp nhận chủ trương đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lên 30 đơn vị, tập trung đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, trồng thâm canh cây mắc ca…

Theo ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tỉnh Điện Biên, thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh từng bước chuyển dịch theo đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên.

Năm 2023, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2022; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng gần 3,5%. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh. Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, nhu cầu thị trường được hình thành và phát triển.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, khi bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (năm 2015), ngành nông nghiệp tỉnh còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ… Sau 8 năm triển khai tái cơ cấu, kinh tế nông nghiệp Điện Biên từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nông dân từng bước được nâng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh hiện đã được phân phối ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên đã có 77 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; 48 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 41% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn gần 37%, bộ mặt nông thôn Điện Biên ngày càng đổi thay và khởi sắc.

Nông sản Điện Biên đang ngày càng tạo được lòng tin với người tiêu dùng về thương hiệu và chất lượng. Đây sẽ là "chìa khóa” quan trọng giúp tỉnh từng bước tạo sức bật cho nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp chiếm 16,42% GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất 1ha trồng trọt tăng từ 15% trở lên.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm