Yếu tố tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Yếu tố tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Khoa học và công nghệ được coi là yêu tố then chốt tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được ứng dụng trong thực tế đã phát huy hiệu quả, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng không ít đề tài vẫn còn xa vời, chưa có sự gắn kết, đưa được vào cuộc sống.

Chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ cho phát triển nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Đó là giải pháp được GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Yếu tố tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp ảnh 1GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận–thực tiễn về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới”. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

* Khoa học và công nghệ là sức sống của trường đại học, có ý nghĩa quan trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhìn lại về sự đầu tư cũng như phát triển khoa học công nghệ trong thời gian qua cũng như định hướng trong thời gian tới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà có đánh giá như thế nào?

- Học viện là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia. Học viện có chiến lược phát triển trở thành trường nghiên cứu nên sẽ coi nghiên cứu khoa học là thế mạnh và trọng tâm. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ gắn với nghiên cứu khoa học và đi đôi với thực hành.

Trong quá trình thực hiện để phát triển thành trường đại học nghiên cứu, học viện đang rất chú trọng đầu tư vào nguồn lực con người, khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm, phấn đấu để các phòng thí nghiệm đạt các chuẩn quốc tế. Điều này sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm nghiên cứu tốt.

Các sản phẩm nghiên cứu của học viện hướng tới các sản phẩm có tính chất cơ bản, tạo ra những sản phẩm công nghệ nguồn, sản phẩm được công bố quốc tế. Bên cạnh đó, học viện cũng có các nghiên cứu phục vụ cho các địa phương, người dân ứng dụng; coi trọng các sản phẩm có tiến bộ kỹ thuật, các quy trình có thể chuyển giao trong thực tiễn, các sản phẩm khoa học có thể phục vụ trong đời sống xã hội.

Với hướng phát triển như vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập 36 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa để tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng cường công bố quốc tế.

Các nhóm nghiên cứu sẽ bám sát vào thực tiễn, các ngành hàng chủ lực; dựa vào Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, chiến lược ngành nông nghiệp để xây dựng chiến lược khoa học công nghệ riêng của học viện. Qua đó, để tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao thương hiệu của các cơ sở đào tạo, thu hút nguồn lực…

Học viện cũng đang chú trọng kết hợp với doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo. Học viện đã kết hợp tới Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam để làm sao đưa công nghệ số vào nông nghiệp để có thể nâng cao hiệu quả sản phẩm tạo ra với lợi nhuận tốt, đồng thời có sự quản lý minh bạch trong các sản phẩm khoa học công nghệ có thể cạnh tranh quốc tế.

* Trong quá trình đưa ra các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng thực tế, bà thấy còn khó khăn, trở ngại gì?

- Học viện có bề dày truyền thống 66 năm với nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về nghiên cứu, học viện có đội ngũ nhà khoa học rất đông với gần 300 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… khi thực hiện các đề tài nghiên cứu đều hướng tới làm thế nào để các sản phẩm đưa vào thực tiễn. Hiện nay, có tình trạng chung là sản phẩm nghiên cứu rất nhiều, nhưng số lượng được chuyển giao vào thực tiễn còn rất khiếm tốn. Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này, làm thế nào để cho kết quả nghiên cứu đó gắn với thực tiễn tốt hơn.

Các chủ trương, cơ chế chính sách đã có đầy đủ nhưng có thể vẫn còn một vài điểm nghẽn nào đó mà chúng ta chưa rà soát để khai thông được. Học viện cũng đang có 1 nhóm nghiên cứu về chính sách để nghiên cứu làm sao có thể tháo gỡ điểm nghẽn đó.

Ban đầu phải gắn kết nhà khoa học với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sử dụng. Nếu thực hiện tốt việc gắn kết này thì sẽ chuyển giao được sản phẩm. Ngay từ đầu khi xây dựng ý tưởng, có sự tập hợp các thành phần, nghe nhu cầu các bên rồi đặt ra vấn đề nghiên cứu thì khi đưa vào thực tế sẽ rất thuận lợi.

Học viện hàng năm thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu và trong giai đoạn gần đây, học viện cũng tạo ra sức ép cho các nhóm nghiên cứu là khi nghiên cứu phải tạo ra sản phẩm. Sản phẩm phải sử dụng được hoặc được công bố quốc tế hay phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Hiện đã có nhiều sản phẩm của học viện được đưa vào sử dụng trong thực tế như: phân bón với các chế phẩm men vi sinh, giống cây trồng, các chế phẩm trong chăn nuôi… đặc biệt là những công nghệ về giống, gen đã có những ngân hàng về giống tảo, giống nấm…

* Học viện thường có các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ cho sinh viên. Qua các cuộc thi này, các nhà khoa học đánh giá thế nào về các sản phẩm nghiên cứu của các sinh viên?

- Đội ngũ sinh viên có rất nhiều ý tưởng hay với nhiều ước mơ, khát vọng. Các em cũng rất mong muốn được tham gia nghiên cứu, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Trong đào tạo, học viện cũng rất chú trọng làm thế nào để phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học phát triển tốt. Học viện nhiều năm qua có các giải thưởng cho sinh viên nghiên cứu khoa học được thứ hạng cao.

Khi còn làm công tác chuyên môn nhiều, tôi cũng tham gia nhiều vào hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Sau khi làm quản lý, tôi đã chú trọng đến việc này và phát động những phong trào cho các em đề xuất các ý tưởng nghiên cứu. Sau đó, học viện sẽ đề xuất các cuộc thi và lựa chọn các ý tưởng đó.

Các thầy cô sẽ cùng các em xây dựng, phát triển và nuôi dưỡng các ý tưởng đó từ khi các em vào trường, học tập tại trường cho đến khi các em ra trường để em hình thành và tham gia tích cực vào khởi nghiệp.

Các ý tưởng sẽ được kêu gọi các nguồn đầu tư, tài trợ và rất nhiều ý tưởng đã được phát triển và đưa vào các công ty, doanh nghiệp. Nhiều cựu sinh viên đang đứng đầu các doanh nghiệp về chăn nuôi, thú y, nông học, phân bón…

Việc có các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ để ngay từ khi vào trường các em có thể nung nấu các ý tưởng đó thành hiện thực. Tỷ lệ thành công chỉ một phần nhưng các em đã có tinh thần khởi nghiệp. Không chỉ sinh viên mà nhiều cán bộ trẻ cũng có khát vọng để khởi nghiệp.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Bích Hồng (Thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm