Tái cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực ở Quảng Ngãi

Tái cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực ở Quảng Ngãi

Ngày 20/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Tái cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực ở Quảng Ngãi ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Sau 2,5 năm thực hiện, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng; diện mạo vùng nông thôn của tỉnh đã có bước thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên; từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập người dân nông thôn và thành thị.

Cụ thể, diện tích gieo trồng hàng năm ổn định, việc sản xuất lúa công nghệ cao, hữu cơ đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 80 ha lúa được chứng nhận VietGAP, sản lượng 800 tấn/năm; đã chuyển đổi hơn 2.226 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho thu hoạch khá, có hiệu quả, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất. Diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn sang cây trồng khác đạt 1.364 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giữ ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, năm sau đã giảm đáng kể so với năm trước, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân; đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại.

Tái cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực ở Quảng Ngãi ảnh 2Đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Quảng Ngãi cũng đã giữ ổn định 114.171 ha rừng phòng hộ và 143.383 ha rừng sản xuất; độ che phủ rừng được giữ vững 52%, đạt kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản đã có nhiều mô hình, giải pháp hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả như: Nuôi ghép tôm-cá, tôm-cua-cá, ốc hương-hải sâm, cá măng-cá dìa-ốc hương; mô hình nuôi lồng bè HDPE trên biển,…

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp chưa được nhiều; giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp mặc dù có, nhưng chưa đáp ứng theo yêu cầu, vẫn còn dựa trên phát triển sản xuất theo chiều rộng; khoa học kỹ thuật đã áp dụng vào sản xuất nhưng chưa mang lại hiệu quả lớn...

Tái cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực ở Quảng Ngãi ảnh 3Đại biểu dự hội nghị tham quan các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới gồm: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp khoảng 48 - 50%; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm; phấn đấu đến năm 2025 có 120 xã và 7 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho rằng, giai đoạn 2021-2023, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ông Trần Phước Hiền lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm