Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh

Chiều 7/12, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh. Tham gia Hội thi có 22 đội, trong đó có 11 đội ở 11 xã và 11 đội khách mời là các đầu bếp của các đội thi nổi tiếng đến từ 9 tỉnh, thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum…

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh ảnh 1Siêu đầu bếp Đỗ Quang Long (áo sẫm) trình bày món nước sốt sâm dây. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Các đội chia làm 2 bảng, trong đó bảng A có sự tham gia của 11 đội đến từ 11 xã trong huyện Tu Mơ Rông và bảng B là 11 đội khách mời. Mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây và 2 món tự chọn theo vùng. Sâm dây là dược liệu đặc trưng, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe được trồng, phát triển mạnh ở núi Ngọc Linh... Tại Hội thi, các chuyên gia, đầu bếp chuyên nghiệp và người dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện đã thực hiện các món ăn được chế biến từ cây sâm dây.

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh ảnh 2Món ăn truyền thống của người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, cùng với sâm Ngọc Linh, sâm dây là loại dược liệu đặc trưng ở đỉnh Ngọc Linh, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe người dùng. Từ cây dược liệu này, người Xơ Đăng đã chế biến thành nhiều món ngon. Các công thức chế biến món ăn mới từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách để giới thiệu cho người dân cả nước biết, sử dụng, nhằm bồi dưỡng sức khỏe. Đặc biệt, qua Hội thi, người dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện sẽ học được nhiều công thức chế biến món ăn bản địa hợp với khẩu vị du khách, từ đó giúp họ chủ động tham gia phục vụ nấu ăn cho khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống.

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh ảnh 3Đội chi hội đầu bếp Lâm Đồng trình bày món ăn tham gia hội thi. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Giám khảo cuộc thi là chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn. Ngoài ra, Hội thi còn có các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng trình bày và chế biến món ăn truyền thống do các chuyên gia, "siêu đầu bếp" trực tiếp đứng lớp.

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh ảnh 4Món ăn truyền thống của người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tại hội thi. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Cũng trong dịp này, huyện Tu Mơ Rông sẽ công bố, tặng quà cho du khách thứ 10.000 đến Tu Mơ Rông năm 2023. Đây là sự tri ân của huyện vùng sâu Tu Mơ Rông đối với khách du lịch đã đến, tham quan, nghỉ dưỡng. Vị khách thứ 10.000 đến huyện năm 2023 là ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là lần thứ 3 ông Nguyễn Đặng Hiến đến Tu Mơ Rông trong năm 2023.

Quảng bá giá trị dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh ảnh 5Đội UBND xã Ngọk Yêu (Tu Mơ Rông, Kon Tum) trình bày món ăn tham gia hội thi. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm