Quả bầu khô là nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người K'Ho |
Trước đây, người K’Ho sống chủ yếu bằng nghề làm lúa rẫy và trồng lúa nước. Vì vậy, cùng với việc gieo tỉa lúa rẫy (vào cuối tháng 5), bà con thường trồng thêm các loại cây rau, như: Bầu, bí và dưa… Riêng với quả bầu, bên cạnh dùng làm món ăn hàng ngày, người K’Ho còn để lại những quả bầu có hình thù đẹp vừa làm giống vừa làm vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng và thường thu hoạch sau khi đã thu hoạch lúa xong (vào khoảng cuối tháng 12). Vì đây là thời điểm dây bầu đã thực sự khô héo và không còn có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi sống quả.
Các già làng ở Di Linh (Lâm Đồng) cho biết: Sau khi thu hoạch, thường bà con phải phơi nắng một thời gian rồi khoét một lỗ nhỏ ở đỉnh đầu bằng ngón tay út để lấy hết hạt ra cất làm giống cho vụ sau. Còn thân quả bầu đem ngâm dưới nước một thời gian rồi lấy ra phơi nắng. Công đoạn này thường lặp lại hai lần, làm sao cho phần ruột bên trong quả bầu thật sạch là có thể dùng được. Có người, trước khi dùng còn mang phơi lên giàn bếp một thời gian ngắn để tạo độ bền, độ bóng mượt, trông rất đẹp mắt.
Với nhóm người K’Ho - Sre, Nộp, quả bầu khô thường được dùng để làm gàu múc nước; làm vật dụng đựng cá, lươn, ếch… mỗi khi đi bắt cá dưới sông, suối. Đặc biệt hơn, quả bầu khô được dùng để đựng nước uống, rượu cần trong các dịp tổ chức lễ hội cúng Yàng. Riêng với giống bầu có hình thù cổ dài, cong thì họ dùng để chế tác khèn bầu (m’boăt hay k’boăt). Còn với nhóm K’Ho - Cil, Lạch, quả bầu khô còn được dùng đựng cháo chua (pòr sràt) để phục vụ trong những ngày lao động mệt nhọc.
Vỏ bên trong của quả bầu được cấu tạo một lớp xốp hết sức độc đáo. Đây được xem là “thiết bị” làm lạnh và nó có thể giữ được độ lạnh ngay cả trong lúc quả bầu được để ở ngoài trời nắng. Bên cạnh đó, nước được đựng trong quả bầu có mùi vị rất đặc trưng. Sau một ngày lao động mệt mỏi dưới thời tiết nắng nóng, uống một ngụm nước hay húp cháo chua từ quả bầu, tạo cho cơ thể có được sự thanh mát và sảng khoái không chỉ bởi khát nước lạnh mà còn cảm nhận được mùi vị rất riêng từ quả bầu. Vì lẽ đó, nên quả bầu luôn là vật dụng gắn bó mật thiết và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người K’Ho.
Dù được dùng làm m’boăt, đựng nước uống, đựng rượu cần hay dùng để đựng cháo chua…, quả bầu khô luôn chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống của người K’Ho.
Theo baolamdong.vn