Phú Yên phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen

Phú Yên phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen

Chiều 20/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên phối hợp với UBND huyện Tây Hòa tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen trên địa bàn huyện Tây Hòa".

Phú Yên phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen  ảnh 1Nông dân tham quan một mô hình trồng sen tại thị xã Đông Hòa. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có một số tổ chức, cá nhân đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây sen. Hai đơn vị có sản phẩm từ sen đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh là Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy (thị xã Đông Hòa).

Huyện Tây Hòa hiện có gần 66 ha trồng sen, tập trung ở các xã Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong, Hòa Tân Tây, Hòa Mỹ Đông... Dự kiến đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 84 ha, chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng lúa sang.

Phú Yên phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen  ảnh 2Nông dân tham quan một số sản phẩm làm từ cây sen. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng chia sẻ, nhằm thúc đẩy phát triển mô hình trồng sen và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen, UBND huyện đã bố trí kinh phí và thực hiện chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho người trồng sen. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện đã tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản sản phẩm từ cây sen. Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng cũng đã ký kết hợp đồng ghi nhớ với Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (tỉnh Đồng Tháp) trong tiêu thụ sản phẩm từ cây sen.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng sen trên địa bàn vẫn chưa cao, diện tích trồng cây sen phát triển chậm, sản phẩm từ sen chưa cung cấp đảm bảo cho đơn vị liên kết thu mua. Do vậy, địa phương đang vận động người dân mở rộng diện tích trồng sen và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen.

Tại hội thảo, một số nông dân trồng sen trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đưa ra thực trạng, đề xuất về một số nội dung như diện tích trồng sen không tập trung nên việc trồng sen không đồng bộ dẫn đến việc thu gom, tiêu thụ sản phẩm chưa đảm bảo; đề nghị cơ quan chuyên môn tập huấn cách trồng sen và chăm sóc sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Có ý kiến nêu, ở một số vùng, cây sen bị bệnh khô cuốn lá, đề nghị cơ quan chuyên môn tìm hiểu, xác định nguyên nhân và hỗ trợ nông dân khắc phục; số khác có ý kiến, kinh phí đầu tư phân bón nhiều nhưng hiệu quả kinh tế trồng sen chưa cao…

Phú Yên phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen  ảnh 3Ông Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam hướng dẫn nông dân phương pháp bón phân hữu cơ vi sinh cho cây sen. Ảnh: Tường Quân - TTXVN  

Theo ông Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, tỉnh Phú Yên có tài nguyên đất đai dạng, phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau. Trong số đó, nhóm đất xám Gley và đất phù sa sông suối ở vùng trũng thấp thường ngập nước, thoát nước kém, đất có độ phì tiềm tàng cao, rất phù hợp cho phát triển cây sen.

Nhưng trong những năm gần đây, vào mùa mưa, những vùng đầm lầy và vùng trũng thấp ở địa phương hầu như bị bỏ hoang, không canh tác được do ngập lụt. Chính vì vậy, việc triển khai các giải pháp sử dụng vùng đầm lầy hoang hóa và các chân đất trũng thấp trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen là cần thiết.

Đánh giá thực trạng tại một số vùng chuyên canh trồng sen của tỉnh Phú Yên (huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa) của Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam cho thấy, môi trường đất trồng sen ở đây có thể xuất hiện các loài nấm gây bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển cây sen. Việc sử dụng phân bón hóa học quá mức cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến năng suất cây sen.

Do vậy, người trồng sen cần phải tích cực cải tạo đất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong việc cải tạo độ phì nhiêu, giúp nâng cao độ bền và độ xốp của đất. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh cũng có tác dụng kiểm soát, giảm một số nấm bệnh.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh có tiềm năng phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sản xuất, trang bị kiến thức trồng sen theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại thị xã Đông Hòa (Phú Yên), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam cũng tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình canh tác cây sen theo hướng hàng hóa. Mục tiêu của đề tài này là tuyển chọn một số giống sen phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh và hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến sen theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng sen.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm