Ngày 26/5, tại An Giang, Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đánh giá của IUCN, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những năm gần đây, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên xảy ra trong vùng. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2017, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện tư duy mới thuận thiên. Nhờ đó, quỹ đạo phát triển của đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển hướng rõ rệt. Nông nghiệp dựa vào mùa nước nổi ở các tỉnh thượng nguồn như: An Giang, Đồng Tháp và Long An hỗ trợ cho chiến lược trữ nước lũ cho đồng bằng sông Cửu Long được xem, như một phương thức canh tác thuận thiên.
Giai đoạn 2018-2021, IUCN đã thực hiện dự án “Thí điểm mô hình sinh kể dựa vào nước lũ nhằm hỗ trợ chiến lược trữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long” tại Đồng Tháp, An Giang, Long An. Dự án thực hiện các mô hình trên diện tích 470 ha, tập huấn, hỗ trợ cho hơn 1000 nông dân 3 tỉnh phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp dựa vào mùa lũ như lúa cả, lúa mùa nổi-lúa, sen-lúa, sen-cá lúa, nhằm giảm diện tích lúa vụ 3 vốn kém hiệu quả.
Ông Tăng Phương Giản, Điều phối viên hiện trường IUCN cho biết, kế thừa dự án được thực hiện giai đoạn 2018-2021, trong ba năm 2023 – 2025, IUCN sẽ triển khai dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được thực hiện tại ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.
“Dự án sẽ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tập huấn cho nông dân trồng các mô hình sinh kế dựa vào sen, tăng diện tích vùng trữ lũ; xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm tơ sen bằng việc hỗ trợ tiếp cận thị trường và nâng cao sinh kế của người dân trồng sen, làm nghề thủ công tại các làng dệt truyền thống”, ông Giản thông tin tại hội thảo.
Dự án gồm 4 hợp phần; hợp phần 1 hỗ trợ người dân trồng sen 120 ha, xây dựng vùng nguyên liệu để cung cấp tơ sen cho sản xuất dệt vải trong năm 2023. Hợp phần 2 nâng cao năng lực cho người dân sản xuất tơ sen và dệt lụa sen thông qua các khóa tập huấn đào tạo. Trong hợp phần 3 nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học, sinh thái môi trường và trữ lượng nước trên ruộng sen. Ở hợp phần 4 xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho sản xuất các sản phẩm từ tơ sen như thiết kế sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho ngành sản xuất tơ sen Việt Nam.
Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 297.000 ha và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Từ năm 2018 - 2020, với nguồn tài trợ từ Quỹ Coca Cola, IUCN đã triển khai nhiều mô hình thí điểm sinh kế dựa vào mùa nước nổi ở tại An Giang như: trồng sen phát triển du lịch, luân canh lúa sen, trồng sen lấy ngó sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, và dạy nghề rút tơ sen dệt vải cho phụ nữ... đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đánh giá cao giai đoạn I của dự án triển khai tại An Giang đã thử nghiệm dệt thành công sản phẩm từ tơ sen tại làng dệt Văn Giáo (thị xã Tịnh Biên) của người Khmer. Mô hình sinh kế trồng sen mùa nước lũ, đã góp phần giúp nông dân An Giang chuyển đổi sang tư duy làm “kinh tế nông nghiệp” thông qua việc tích hợp đa giá trị từ cây sen, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
“Mô hình sinh kế trồng sen mùa nước lũ còn giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng, giúp tăng lượng phù sa trên đồng ruộng, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học và hệ sinh thái canh tác nông nghiệp... Điều này, phù hợp với Nghị quyết số 120 của Chính phủ là chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.”, ông Thọ cho biết.
Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2016-2019, diện tích sen Đồng Tháp giảm khá mạnh chỉ còn khoảng 879 ha, sản lượng dao động từ 592,3 – 712,6 tạ/ha do bệnh thối ngó, thối dây, thán thư, bọ trĩ,…. gây hại nặng. Đến tháng 5/2023, diện tích sen phục hồi trở lại, đạt diện tích 1.240,3 ha, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng, Châu Thành được trồng chuyên, luân canh với lúa, hoặc kết hợp với nuôi thủy sản. Đến nay, hầu hết các diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện việc sản xuất, chứng nhận vùng trồng theo các tiêu chuẩn an toàn.
Theo ông Điền, với lợi thế là “thủ phủ Đất Sen Hồng”, việc sản xuất và phát triển các sản phẩm từ sen, tơ sen tại tỉnh Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và lợi thế. Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh đã có trên 200 sản phẩm từ sen các loại; trong đó, có 49 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 - 4 sao. Ngoài các sản phẩm thực phẩm thông thường như: sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen… còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chiết xuất rất đặc biệt như: tranh lá sen; túi xách lá sen; lụa tơ sen, các trang sức làm từ lụa tơ sen... Các sản phẩm này tạo giá trị kinh tế cao, khẳng định cây sen xứng đáng là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh và được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả hơn nữa trong những năm tới.
Tại hội thảo, IUCN đã giới thiệu dự án tới các bên liên quan về vai trò của nông nghiệp dựa vào mùa nước nổi nhằm hỗ trợ trữ lũ; thảo luận chuỗi giá trị của các mô hình canh tác dựa vào mùa nước nổi như sen và đặc biệt những giá trị gia tăng có được từ tơ sen. Các đại biểu cũng tập trung chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội cũng như thách thức liên quan đến sản xuất các sản phẩm từ tơ sen, tiếp cận thị trường, quy hoạch và hỗ trợ chính sách đối với các mô hình này…
Thanh Sang