Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đây được coi là “bệ phóng” để nông sản của tỉnh Phú Thọ vươn xa.
Tạo dấu ấn
Tân Sơn, mảnh đất xuất xứ của giống gà nhiều cựa gắn liền với câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đời Vua Hùng Vương thứ 18 khi thách lễ kén chồng cho công chúa. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát triển gà nhiều cựa ở huyện miền núi Tân Sơn đã được các cấp, các ngành quan tâm.
Năm 2008, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi, bảo tồn gà nhiều cựa” ở xã Xuân Sơn. Sau đó, huyện Tân Sơn đã triển khai dự án “phát triển nuôi gà nhiều cựa quy mô hộ gia đình để xóa đói giảm nghèo” làm điểm ở xã Xuân Sơn. Đến năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”; trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ.
Nhờ thực hiện hiệu quả việc bảo tồn giống gà này, năm 2016, dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” của huyện Tân Sơn được UBND tỉnh phê duyệt. Sau hai năm triển khai thực hiện, năm 2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ trang trại nuôi và nhân giống gà nhiều cựa ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn cho hay, giống gà nhiều cựa tuy nuôi khó hơn so với gà thông thường nhưng chọn đúng giống gà chuẩn lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm gà nhiều cựa sau xác lập nhãn hiệu tập thể đã tăng giá bán cao gấp 2-3 lần so với trước, dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg đối với gà thương phẩm, từ 300.000-500.000 đồng/kg đối với gà bố mẹ.
“Người dân Tân Sơn rất vui khi cầu thủ bóng đá Hà Đức Chinh đã trở thành hình ảnh đại sứ thương hiệu cho giống gà nhiều cựa Tân Sơn. Hy vọng, thương hiệu gà cựa Tân Sơn sẽ có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đến các tỉnh, thành trong cả nước” anh Đức chia sẻ.
Không chỉ nhãn hiệu tập thể gà nhiều cựa của Tân Sơn phát huy được thế mạnh sau khi được bảo hộ mà còn nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng khác như: quế Yên Lập, đặc sản bưởi Đoan Hùng, lúa nếp Gà Gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, cá lồng sông Đà… Đặc biệt, sản phẩm đặc sản bưởi Đoan Hùng đã xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Liên bang Nga và đầu năm 2022 vừa qua…
Xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, một trong những địa phương nổi tiếng với đặc sản hồng Gia Thanh. Toàn xã có khoảng 70ha hồng trong đó gần 50ha đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân hàng năm đạt hơn 20 tấn, tổng doanh thu khoảng 8 tỷ đồng. Tháng 8/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh” với 159 hộ gia đình trồng hồng xã Gia Thanh.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, sau một thời gian triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký, xác lập, phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay, đơn vị đã có gần 40 sản phẩm đã được cấp bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu hàng hóa.
Các sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu đều tăng giá trị từ 1,5-2 lần so với trước; diện tích cũng được mở rộng; thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Số lượng văn bằng nhãn hiệu được cấp cho các tổ chức tập thể và doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong, ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đồng bộ các giải pháp
Hiện nay, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường.
Do vậy, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cần nghĩ ngay tới việc đăng ký tạo lập quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm bản địa, đặc hữu, có danh tiếng, đậm tính đặc thù, chuyên biệt cho một khu vực địa lý. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhất để xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2025 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tập thể, cá nhân có nhu cầu; trong đó có ít nhất 850 bảo hộ sở hữu trí tuệ, tăng từ 1,5-2 lần so với giai đoạn 2016-2020. Tỉnh hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Theo bà Chu Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Phú Thọ, để phát huy hết giá trị của các nhãn hiệu đã được xác lập quyền dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cần phải có kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh muốn sử dụng có hiệu quả một nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, cần xây dựng mô hình tổ chức đối với từng nhãn hiệu.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm hàng hoá theo chuỗi giá trị, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của sản phẩm...
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ đã và đang chú trọng xây dựng và giữ vững thương hiệu các sản phẩm cây con đặc sản của vùng Đất Tổ như: chè, bưởi đặc sản Đoan Hùng, đặc sản hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, gà nhiều cựa, nếp Gà Gáy, măng gầy, khoai tầng vàng, chuối phấn vàng… phát triển quy mô hàng hóa đủ lớn để đảm bảo đủ lượng cung phục vụ phát triển du lịch của địa phương và mở rộng thị trường ra bên ngoài.
Tỉnh tổ chức lại sản xuất cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, việc phát triển du lịch gắn với cộng đồng, kết hợp với các di tích lịch sử - văn hóa cũng là hướng đi tiềm năng mà tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với các loại hình kinh doanh, dịch vụ và các ngành nghề khác, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch và phát triển bền vững với giá trị gia tăng cao.
Toàn Đức