Khai thác thế mạnh địa phương, chú trọng đầu ra cho sản phẩm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã tạo dựng được nhiều thương hiệu nông sản chủ lực, là tiền đề quan trọng để đồng bào dân tộc phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập…
Trước thực trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hồ tiêu, cà phê, cao su… đồng loạt mất giá trong thời gian gần đây, các cấp chính quyền huyện Tuy Đức đã có nhiều giải pháp thiết thực và phù hợp, giúp đồng bào dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Huyện Tuy Đức đã tập trung rà soát, điều tra, xác định chính xác từng đối tượng nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu những mô hình, hướng phát triển kinh tế ổn định, hiệu quả…
Giai đoạn 2015 - 2020, các ngành chức năng huyện đã tư vấn, hỗ trợ đồng bào dân tộc chuyển đổi được gần 2.000 ha cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây phù hợp, năng suất cao. Với nhóm cây trồng chủ lực, Tuy Đức cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn xây dựng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao… Nhờ vậy, toàn huyện hiện có trên 33.000 ha cây công nghiệp dài ngày các loại, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/ năm (cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca…), giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi ha đất đạt bình quân 80 triệu đồng... Đặc biệt, Tuy Đức đã xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản có thế mạnh như mắc ca Tuy Đức, khoai lang Tuy Đức, cà phê Đoàn Gia…
Với những nỗ lực, cố gắng không nhỏ của các cấp chính quyền địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Tuy Đức giảm bình quân 4,13%/năm, hiện còn 34,83% (tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 50,57%).
Hưng Thịnh