Cắt băng khai trương cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong tại Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: nongnghiep.vn |
Đến giữa tháng 10/2018, xã ven biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong đã phát triển được khoảng 75 ha đậu đen xanh lòng - đặc sản của địa phương này. Đậu đen xanh lòng trồng 2 vụ/năm, năng suất bình quân 1 tấn/ha, giá bán ổn định ở mức 40.000 đồng/kg. Doanh thu từ trồng 1 ha đậu đen xanh lòng đạt khoảng 80 triệu đồng/năm. Đậu đen xanh lòng Triệu Vân có giá trị dinh dưỡng cao, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do được trồng theo phương pháp hữu cơ, nên được thị trường rất ưa chuộng.
Đây cũng chính là nguyên nhân để xã Triệu Vân tổ chức xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này. Vừa qua, đậu đen xanh lòng Triệu Vân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, với 39 hộ sản xuất loại đặc sản này. Theo đại diện UBND xã Triệu Vân, thời gian tới địa phương tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp, sang trồng đậu đen xanh lòng. Đồng thời, phát triển nhãn hiệu tập thể đậu đen xanh lòng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng xây dựng hàng chục thương hiệu cho các loại nông sản là đặc sản ở các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, bảo tồn nguồn gen quý, quảng bá sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái. Điển hình là các thương hiệu: Cà phê Khe Sanh ở huyện miền núi Hướng Hóa, rau xà lách xoong Gio An thuộc huyện Gio Linh, dưa hấu Vĩnh Tú ở huyện Vĩnh Linh...
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có gần 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trong đó, có 1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là các nhãn hiệu hàng hóa khác. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng ở thị trường trong nước và quốc tế là hồ tiêu Quảng Trị.
Ông Cáp Quốc Hà ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bên mô hình tiêu sạch ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN |
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.500 ha hồ tiêu. Hồ tiêu ở Quảng Trị được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi hạt tiêu nhỏ, rắn, thơm nồng và có vị cay đặc trưng. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu ở thị trấn Hồ Xá và các xã: Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh.
Tháng 4/2018, Cục Sở hữu trí tuệ mở rộng khu vực chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu ở Quảng Trị, bằng việc thêm các vùng trồng hồ tiêu ở các huyện: Cam Lộ; Gio Linh; Vĩnh Linh và Hướng Hóa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý...
Nguyên Lý