Phụ nữ Mông ở thôn 1, xã Đắk Som thêu trang phục truyền thống. |
Váy phụ nữ Mông có hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng. Chiếc áo có cổ lật ra phía sau gáy. Đồng bào Mông cho rằng, đeo tấm vải che trước váy và quấn xà cạp ở chân là thể hiện ý tứ và kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên một vẻ đẹp riêng khó có thể nhầm lẫn với các dân tộc khác.
Trước kia, phụ nữ Mông dùng nguyên liệu thiên nhiên là cây lanh để dệt vải. Từ công việc trồng cây lanh, dệt vải đến các công đoạn làm ra một bộ trang phục đòi hỏi người phụ nữ phải có sự khéo léo và kiên trì. Việc dệt vải, thêu may các bộ trang phục đặc sắc, rực rỡ nhất trở thành một trong những nếp sống không thể thiếu của đồng bào Mông.
Những người phụ nữ Mông giỏi may thêu được cả dân bản đề cao, tôn trọng. Điều này cũng trở thành tiêu chí để các chàng trai chọn lựa cho mình một cô gái siêng năng, cần cù, giỏi giang về làm vợ. Ngày nay, việc dệt vải từ cây lanh đã không còn nhiều; hầu hết phụ nữ Mông mua sợi chỉ để dệt hoặc mua vải có sẵn ở chợ để thêu may. Một vài xã trong vùng cũng đã có những cửa hàng may mặc, quầy buôn bán trang phục truyền thống phụ nữ Mông.
Cụ thể như tại xã Đắk Som hay Đắk R’măng có các khu chợ, trong đó có nhiều quầy hàng bán trang phục, trang sức truyền thống của dân tộc Mông. Tại đây có nhiều hộ người Mông đang hành nghề may thêu trang phục theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu cho đồng bào tại địa phương cũng như nhiều khách hàng từ nơi khác đến. Các mặt hàng váy, áo ngày càng phong phú, đa dạng dựa trên nhiều chất liệu mới nhưng vẫn giữ được bản sắc, tính độc đáo trong trang phục của người Mông.
Hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục Mông. Nhiều phụ nữ Mông trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn còn giữ được kỹ thuật thêu khá tinh tế bằng cách thêu lát và thêu chéo mũi. Trên các nền vải đã định hình sẵn các bộ phận của áo, váy, các họa tiết sẽ được thêu, vẽ, chắp vải. Họ thường tạo hoa văn bằng sáp ong trực tiếp lên các tấm vải, thêu hoa văn bằng chỉ màu hoặc tạo hoa văn bằng khâu ghép vải. Sau khi hoàn thiện kết cấu trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo...
Thiếu nữ Mông nổi bật trong trang phục truyền thống đi chơi hội. |
Có thể nhận ra sự linh hoạt trong trang trí hoa văn của người Mông với các bố cục khác nhau: Đoạn thẳng, hình tròn, hình xoáy ốc, đường cong, đường lượn sóng, lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang hay những đường diềm hình chữ thập, chữ đinh, chữ công được chuyển biến một cách hết sức phong phú, đa dạng. Vừa nhịp nhàng, uyển chuyển, hài hòa nhưng không đơn điệu hay gò bó. Màu sắc chủ đạo thường được dùng là màu đỏ, hồng, xanh, vàng, tím tạo nên một bức tranh tươi sáng, ấm áp. Các họa tiết tạo nên một bức tranh, câu chuyện về thế giới quan, thiên nhiên, lao động sản xuất, non nước tràn đầy sức sống.
Trong sinh hoạt hằng ngày như làm đồng hay việc nhà, phụ nữ Mông thường mặc những bộ trang phục mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức. Nhưng khi đi hội, mọi người lại chọn cho mình chiếc áo, váy xòe đầy màu sắc, đính cườm, vòng bạc lộng lẫy.
Một điểm nổi bật không thể thiếu trên bộ trang phục cổ truyền để mặc trong ngày hội, tết, lễ cưới… là các trang sức bằng bạc được đeo để làm đẹp và thể hiện sự giàu sang của mỗi người, dòng tộc. Hoa văn mộc mạc, kết hợp màu sắc tươi sáng tạo thành bức tranh tuyệt đẹp trên trang phục người Mông. Trên vùng cao nguyên của nền đất đỏ bazan, màu xanh của núi rừng, những cô gái Mông e ấp với chiếc váy xòe rực rỡ sắc màu làm say đắm lòng người…
Báo Đắk Nông