Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Món ăn đơn giản như vậy thôi nhưng cũng khiến nhiều thực khách thỏa lòng.
Ngày nay, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá... Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô.
Xe Hủ Tíu đặc trưng của người Hoa |
Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Càng ngày, hủ tiếu càng khiến nhiều thực khách ngây ngất. (netlife)
Không dừng lại ở đó, từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người Hoa còn sáng chế ra nhiều loại hủ tiếu mang nhiều màu sắc, hương vị đặc biệt khác nhau. Đó là hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng, hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.
Trong kho tàng hủ tiếu, người Hoa có ba món hủ tiếu khiến người ta ấn tượng và nhớ mãi bởi cách chế biến cũng như cái "lạ" về hương vị mà các món ăn mang lại. Đó là món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.
Món hủ tiếu cá, món ăn thành danh của người Hoa. Sợi hủ tiếu ở đây có sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm. Đặc trưng của hủ tiếu cá là nồi nước lèo. Nước lèo được nấu từ xương lợn, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Khi ăn, tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu. Cái ngon của hủ tiếu cá là ở hương vị. Nó vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm.
Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: Sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm.
Nói đến hủ tiếu sa tế, là nói đến vị cay xé lưỡi và sự đặc sắc của mùi vị nước lèo. Nước lèo phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn… Chính hương vị ấy đã tạo nên điểm nhấn khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.
Hủ tiếu của người Hoa không chỉ khiến thực khách biết đến mà còn giúp làm phong phú thêm kho tàng món ăn các dân tộc Việt Nam.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn