Từng là hộ có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) nên ông Thạch Minh phải bươn chải với nhiều nghề để lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các công việc trước đây đều thất bại và đến những năm gần đây gia đình ông mới khá lên được nhờ gắn bó với nghề nuôi chồn hương.
Dịp đầu Xuân Giáp Thìn, đến tham quan mô hình nuôi chồn của ông Thạch Minh và nghe câu chuyện bươn chải lo cho cuộc sống gia đình, chúng tôi càng trân quý tinh thần siêng năng, nhạy bén của người đàn ông 63 tuổi này.
Ông Minh cho biết, trước đây ông làm công an viên ở địa phương và nghỉ công tác gần 10 năm nay. Trước khi đến với nghề nuôi chồn hương, ông trải qua nhiều nghề như chạy xe ôm, nuôi gà, lợn, đi làm công nhân… Đến cuối năm 2017, sau khi biết được hiệu quả của nghề nuôi chồn qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Minh mua 3 con chồn về nuôi.
Sau hơn nửa năm chăm sóc, 2 con chồn cái sinh sản ra những con chồn con và số lượng chồn tăng dần, đến năm 2018, ông Minh bắt đầu bán chồn giống, chồn thịt cho các hộ dân và nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh. Ông Minh Duy trì từ 4-6 con chồn sinh sản và từ 3-4 con chồn đực để phối giống. Theo ông Minh, chồn hương dễ nuôi, có giá cao nên người nuôi có lời nhiều hơn so với một số loài vật nuôi khác như lợn, gà, vịt.
Theo ông Minh, chồn sinh sản thường đẻ từ 3 đến 4 con chồn con và mỗi năm sinh sản 2 lần. Mỗi con chồn con giống cái ông bán với giá 4 triệu đồng/con; chồn cái đã lớn (nuôi từ 16-18 tháng tuổi) có giá bán 15 triệu/con; còn chồn cái đã phối giống 25 triệu đồng/con; chồn đực bán lấy thịt 1,5 - 1,8 triệu đồng/con.
“Chồn ăn rất ít thức ăn, tôi nuôi thường cho mỗi con ăn 1 quả chuối chín vào buổi sáng, buổi chiều thì cho ăn một chén cháo nấu bằng gạo với ít đầu gà công nghiệp. Tôi trồng hơn 10 bụi chuối xiêm sau vườn để đảm bảo nguồn chuối cho chồn ăn, còn nấu cháo thì lâu lâu đi chợ mua 2 kg đầu gà công nghiệp, mỗi nồi cháo bỏ 2 cái đầu gà bằm nhuyễn vào tạo mùi thơm và bổ sung ít đạm cho chồn. So với nuôi lợn hay nuôi gà, vịt tôi thấy nuôi chồn ít tốn chi phí thức ăn, lợi nhuận gần như trọn vẹn nếu như không phải mua con giống như gia đình tôi”, ông Minh cho biết.
Với việc duy trì nuôi từ 4-6 con chồn sinh sản và 3-4 con chồn đực để phối giống, mỗi năm ông Minh xuất bán từ 40-45 con chồn giống, chồn thịt, thu về khoảng 220 triệu đồng. “Nuôi chồn này tôi đăng ký giấy phép của ngành kiểm lâm đầy đủ và được tạo điều kiện nên thủ tục rất nhanh gọn trong việc xuất bán. Tôi không chỉ vui mừng vì có được nguồn thu nhập khá để lo cho gia đình mà còn vui hơn khi bán con giống và tư vấn kỹ thuật cho hơn 20 hộ nông dân khác nuôi chồn thành công với nguồn thu nhập khá”, ông Thạch Minh chia sẻ thêm.
Là một trong những hộ thành công nhờ mua con giống và áp dụng kỹ thuật nuôi của ông Thạch Minh, ông Huỳnh Phương, ở thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) cho hay, đầu năm 2021, ông mua 6 con chồn của ông Minh, gồm 2 con đực và 4 con cái. Sau đó vài tháng, chồn bắt đầu sinh sản và đến cuối năm 2022 đến nay, mỗi năm ông Phương xuất bán từ 25-30 con chồn ra thị trường.
“Nhờ ông Minh hướng dẫn cách làm lồng nuôi và kỹ thuật chăm sóc tận tình nên tôi nuôi đạt hiệu quả. Với diện tích hơn 40 m2 sau nhà, tôi hàn 12 cái lồng sắt là nuôi được rồi. Chi phí thức ăn rất ít, tuy nhiên người nuôi ban đầu phải bỏ số vốn khá lớn để mua chồn giống nên nhiều người cũng e ngại chứ nghề nuôi chồn theo tôi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Về đầu ra thì hiện nay nhu cầu thị trường chồn giống, cũng như chồn thịt nuôi không đủ bán”, ông Phương cho biết thêm.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 20 hộ nuôi chồn hương và tất cả đều mang lại lợi nhuận khá cao. Trong đó, hộ ông Thạch Minh là một trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình và cung ứng con giống, chia sẻ kỹ thuật để các hộ khác áp dụng đạt hiệu quả.
“Các hộ nuôi chồn ở huyện đều tự phát nhưng mang lại lợi nhuận khá cao nên Hội Nông dân huyện và các ngành liên quan cũng tạo điều kiện, hướng dẫn bà con đăng ký giấy phép, tổ chức tập huấn kỹ thuật để nông dân nuôi đạt hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện cùng các ngành liên quan tiếp tục đánh giá hiệu quả mô hình để triển khai đến các hội viên nông dân có điều kiện phù hợp đầu tư để phát triển kinh tế”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng Huỳnh Thị Ngọc Kiều chia sẻ thêm.
Văn Sĩ