Nuôi chồn hương (cầy vòi hương) là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình ở Quảng Ngãi.
Chồn hương là động vật hoang dã. Ở Việt Nam, chồn hương phân bố khá nhiều ở các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào đến Long An. Đây là loại động vật ăn tạp, kiếm ăn về đêm. Nguồn thức ăn chủ yếu của nó là các loại quả như các loại hồng xiêm, xoài, chôm chôm và các động vật nhỏ như chim, chuột, rắn... Chúng sinh sản quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 10, 11, 12 hằng năm, mỗi lứa đẻ từ 2 đến 4 con.
Anh Hồ Duy Trung (sinh năm 1975), thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành được xem là một trong những người đầu tiên nuôi chồn hương. Theo anh Trung, anh bắt đầu “bén duyên” với loài động vật này từ năm 2007. Hồi đó, khi thấy một người dân bẫy được 2 con chồn hương anh đã mua về nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, 2 con chồn hương đẻ được 4 con. Đến nay, đàn chồn hương của anh Trung đã tăng lên hơn 100 con, mỗi con đều có mã số trại nuôi đăng ký.
“Chồn hương là động vật hoang dã, do đó khi nuôi bà con phải đăng ký gây nuôi tại Trung tâm một cửa xã, phường, thị trấn; Mỗi khi tăng, giảm đàn đều phải báo cáo. Còn khi bán phải xin giấy phép tại Hạt Kiểm lâm huyện để có nguồn gốc rõ ràng. Điều này trước đây khi mới gây nuôi tôi không biết nên sau đó cũng gặp nhiều khó khăn”, anh Trung nói.
Cũng theo anh Trung, nuôi chồn hương tốn ít công chăm sóc và chi phí. Mỗi ngày chỉ cần vệ sinh chuồng trại một lần; cho chồn hương ăn 2 trái chuối chín chia làm 2 lần và một lần cho ăn cháo cá hoặc thịt, cá tươi sống. Chi phí thức ăn cho một con chồn hương sẽ khoảng từ 2.000 - 3.000 đồng/ngày. Chồn hương có đặc điểm là khi chồn mẹ đang trong giai đoạn nuôi con, nếu có tiếng ồn, gặp người lạ thì chồn mẹ sẽ đem giấu trong tổ, làm trầy xước, nhiễm trùng, thậm chí gây chết con.
Vì vậy chuồng trại nuôi chồn hương có thể làm bên cạnh nhà ở, thiết kế có những ô để nuôi riêng, mỗi chuồng cao từ 0,7 - 0,8 m bằng gỗ, sắt kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40, cửa có then cài chắc chắn để chồn không chui ra ngoài. Nuôi chồn hương rất dễ vì chúng ít bị dịch bệnh, do ăn tạp nên thường bị bệnh đường ruột, lúc này cần dùng thuốc thú y dành cho chó, mèo trộn với thức ăn để trị bệnh. Trung bình mỗi con chồn hương sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 3 - 6 con. Hiện tại, đối với chồn hương nuôi thương phẩm, trọng lượng đạt từ 2,5 - 3,5 kg/con trở lên, sẽ có giá 1,6 triệu đồng/kg; còn với con giống thì sau khi sinh từ 2 - 2,5 tháng sẽ xuất bán thì mỗi con có giá khoảng 4 triệu đồng.
Thấy mô hình nuôi chồn hương của anh Trung mang lại hiệu quả cao, nhiều người đã đến tham quan, học hỏi, mua giống về tạo đàn. Đến nay, xã Hành Thiện có 36 hộ dân tham gia nuôi chồn hương với gần 600 cá thể. Năm 2022, xã Hành thiện đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi chồn hương Thiện Phát do anh Hồ Duy Trung làm Giám đốc. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục đối với các hộ nuôi mới có mã số trại nuôi, các giấy phép, thủ tục đăng ký nuôi do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cấp.
Bà Phạm Thị Hà Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Thiện, cho hay, đây là mô hình chăn nuôi mới nhưng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhờ đó vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình cũng giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao như hợp tác xã, thu nhập, việc làm. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng cấp trên để kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ bà con nhân giống, mở rộng mô hình, đồng thời trồng cà phê để hướng tới sản xuất cà phê chồn - một loại cà phê có giá trị kinh tế rất cao và được thị trường ưa chuộng.
Tương tự, tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, mô hình nuôi chồn hương cũng đang được nhiều người dân nhiều hộ dân tham gia. Người nuôi chủ yếu tập trung nuôi chồn hương giống sinh sản.
Anh Nguyễn Quốc Sang (sinh năm 1991), ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng bắt đầu nuôi chồn hương từ năm 2019 và đến nay anh là người cung cấp con giống cho nhiều người dân trong vùng. Anh Sang, cho hay, trước đó vợ chồng anh đi lao động tại khu vực phía Nam nên đã được biết đến mô hình nuôi chồn hương của bà con nơi đây. Do đó, khi về quê lập nghiệp anh đã vào tỉnh Cà Mau mua con giống để nuôi thí điểm.
Anh Sang chia sẻ, khi mới nuôi tôi cũng gặp nhiều khó khăn do không biết cách chăm sóc, phòng bệnh. Nhưng sau khi tìm hiểu từ mạng xã hội, từ một số người nuôi trước đó nên anh có thêm kinh nghiệm, nhờ đó mà đàn chồn hương sinh trưởng phát triển tốt. Chồn hương con nếu là con đực thì để nuôi bán thương phẩm, còn con cái thì bán con giống. Với 10 con chồn hương sinh sản, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 100 triệu đồng.
Hiện xã Nghĩa Thắng có 8 hộ nuôi chồn hương, với 204 cá thể. Có nhiều hộ dân bắt đầu đăng kí chuyển đổi từ nuôi bò, lợn sang nuôi động vật này. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Thắng Nguyễn Xuân Tiên, cho biết, mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều hộ dân tham khảo và xin gây nuôi. Do đó, Ủy ban nhân dân xã sẽ phối hợp với các Ngân hàng để tạo điều kiện cho bà con vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi, tiến tới thành lập hợp tác xã nuôi chồn hương. Đồng thời, địa phương cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng cấp trên xem xét hỗ trợ thuốc phòng dịch bệnh, thuốc tiêu độc khử trùng, đồng thời đề nghị cấp trên quan tâm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì hiện nay số hộ nuôi còn ít, đầu ra thuận lợi, nhưng khi nhân rộng mô hình thì đầu ra chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta không chủ động tìm trước.
Có thể nói nuôi chồn hương là một mô hình mới, nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, diện tích chuồng trại, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân Quảng Ngãi. Vì vậy, người dân có thể nuôi và tranh thủ kết hợp thêm ngoài các công việc khác để tăng thu nhập gia đình. Đây là mô hình có thể nhân rộng để người dân phát triển kinh tế.
Đinh Hương