Sau đại dịch COVID-19, du khách có xu hướng yêu chuộng và lựa chọn du lịch xanh. Xu hướng này cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, tạo ra nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với du khách quốc tế và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã thực hiện chùm 2 bài viết để làm rõ hơn những lợi ích từ du lịch xanh và hành động của ngành du lịch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Bài 1: Lan tỏa hình ảnh Việt Nam xanh
Du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên, bảo tồn, duy trì, gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân. Du lịch xanh cũng góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách để lan tỏa một hình ảnh du lịch Việt Nam xanh, sạch, hấp dẫn. Điều đáng mừng là nhiều đơn vị du lịch, lữ hành, địa phương đã coi đây là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch lâu dài, bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Nhu cầu du lịch xanh ngày càng cao
Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính thông tin cho biết: Năm 2019, Công ty McKinsey &Company chuyên về tư vấn hàng đầu trên thế giới đã làm cuộc khảo sát với khách du lịch ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy, 66% khách trả lời phỏng vấn có xu hướng chi trả nhiều cho những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Website uy tín Booking.com chuyên về đặt phòng khách sạn từ năm 2019 tiến hành khảo sát cho thấy, 70% khách khẳng định sẽ đặt phòng khách sạn thân thiện với môi trường. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, xu hướng khách du lịch quan tâm đến thân thiện với môi trường tăng lên. 83% người được hỏi trả lời du lịch bền vững là yếu tố quan trọng; 61% du khách cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến họ mong muốn được đi du lịch bền vững trong tương lai.
Khảo sát của Exodus Travels cho thấy, 91% khách du lịch mong muốn được đi du lịch có đạo đức, nghĩa là khách không chỉ quan tâm đến thân thiện với môi trường, mà còn tìm hiểu về văn hóa, di tích, ủng hộ doanh nghiệp, mua quà lưu niệm ở địa phương. Qua đó có thể thấy, xu hướng du lịch bền vững ngày càng tăng, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Một khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) tiến hành vào tháng 12/2021 cho thấy, xu hướng của khách du lịch Việt Nam quan tâm nhiều đến du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá thiên nhiên đứng ngay hàng thứ 2 và có hướng tăng lên nhiều so với lần khảo sát trước đây (từ 48% tăng lên 56%).
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Paradise Việt Nam cũng chia sẻ: Với kinh nghiệm vận hành du thuyền khách sạn trong hơn 20 năm trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ, Tập đoàn rất coi trọng xu hướng du lịch xanh, coi đây là xu hướng tất yếu nhằm bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Đặc biệt, sau dịch COVID-19 thì nhiều đối tác, khách hàng của Paradise Việt Nam quan tâm đến sản phẩm du lịch xanh ở Việt Nam, nhất là ở Vịnh Hạ Long – nơi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) 2 lần ghi danh vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới.
Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam cũng đã chọn chủ đề “Điểm đến du lịch xanh” nhằm tạo ra cơ hội để tỉnh này kích cầu du lịch, thu hút du khách, lấy lại đà tăng trưởng sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.
Qua đó có thể khẳng định, du lịch xanh không chỉ là mối quan tâm của ngành du lịch, cơ quan quản lý du lịch, mà chính là nhu cầu của chính thị trường khách du lịch nội địa. Du lịch xanh đã trở thành điểm nhấn phát triển của du lịch Việt Nam không chỉ trong năm 2022, mà còn trong những năm tiếp theo.
Lan tỏa hình ảnh Việt Nam xanh
Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour Lê Công Năng cho rằng, toàn ngành du lịch cần có chiến dịch truyền thông đồng bộ để các công ty lữ hành, du lịch, cộng đồng làm du lịch và khách hàng đều có tư duy xanh, phát triển du lịch bền vững. Ngoài khai thác các di sản, cảnh quan tuyệt vời thì phải có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.
Để thực hiện điều này, Wondertour đang triển khai 3 dòng sản phẩm. Đó là tour du lịch thực nghiệm nhằm đào tạo sinh viên các ngành du lịch về kỹ năng nghề nghiệp, kết hợp với định hướng làm du lịch chuyên nghiệp và du lịch xanh. Ông Lê Công Năng khẳng định, sinh viên ngành du lịch sẽ là lứa lao động mới, là tương lai của ngành du lịch, đại sứ du lịch xanh trong tương lai. Do đó, trong tất cả các chương trình huấn luyện dành cho sinh viên về du lịch thực nghiệm, Wondertour đều có những hoạt động hướng nghiệp về du lịch chuyên nghiệp và du lịch xanh. Thứ hai là tour hành trình di sản đưa du khách đến với những kỳ quan thiên nhiên, di sản nổi tiếng của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế…Thứ 3 là phát triển dòng tour huấn luyện dành cho doanh nhân, doanh nghiệp khám phá kỳ quan thiên nhiên, di sản lồng ghép về kỷ luật doanh nghiệp, kỹ năng quản trị kết hợp với đó là tư duy kinh doanh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là những khối khách hàng doanh nghiệp, công ty về sản xuất và khối FDI.
Paradise Việt Nam đã triển khai Quỹ “Green Hạ Long bay – Vì Hạ Long xanh” với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Nổi bật là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền, khách sạn. Ví dụ như sử dụng kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp trên vịnh Hạ Long, giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại mà thay bằng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Paradise Việt Nam cũng giảm thiểu tối đa rác thải nhựa bằng cách sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy. Đơn vị cũng thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng với người dân, du khách, tổ chức định kì hoạt động thu gom rác thải trên vịnh để nâng cao ý thức của mọi người trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đơn vị này cũng đưa ra phương án cụ thể để vận động toàn thể cán bộ, công nhân tiết kiệm năng lượng ở nơi làm việc...
Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cũng là một điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Để xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững, bắt đầu từ ngày 1/9, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm lên đảo. Sau khi thí điểm, huyện sẽ tiến tới áp dụng chính thức quy định này. UBND huyện Cô Tô cũng kêu gọi người dân trên đảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực...
Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Trong lĩnh vực du lịch, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” có 2 nhiệm vụ cụ thể là: “Xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh” và “Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam”. Đây là 2 nhiệm vụ thuộc nhóm A, có mức độ ưu tiên cao.
Nhóm nhiệm vụ “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh” cũng gồm 2 nội dung là: “Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng” và “Khuyến khích nhà đầu tư du lịch chú trọng đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm xuyên suốt là phát triển du lịch bền vững, bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Tháng 2/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định giải pháp cho giai đoạn 2022-2023 là phát triển các sản phẩm du lịch quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, sinh thái, gắn với thiên nhiên và du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch golf, ẩm thực...
Phát triển bền vững là một trong những xu hướng chung của du lịch thế giới khi điểm đến an toàn, thân thiện là sự lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của du khách, nhất là sau dịch COVID-19. Do đó, ngành du lịch cần định hướng phát triển theo hướng xanh và thân thiện với môi trường nhằm tạo ra hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, xanh, sạch, hấp dẫn trong mắt du khách. (Xem tiếp Bài 2: Cần một bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia)
Thanh Giang