Bài 2 (Bài cuối): Cần một bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia
Du lịch xanh chắc chắn là xu hướng du lịch bền vững cho Việt Nam và thế giới. Du lịch xanh là thân thiện, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch tuần hoàn, du lịch bền vững và là một thành phần của nền kinh tế xanh. Quảng Nam là địa phương tiên phong đưa ra và thực hiện tiêu chí du lịch xanh. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ tiêu chí du lịch xanh để hỗ trợ, giúp cho xu hướng này phát triển hiệu quả, lâu dài.
Hướng phục hồi du lịch tốt sau dịch COVID-19
Phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2021, tỉnh đã có bước chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi, phát triển ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bởi du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa, di sản và tài nguyên thiên nhiên…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ: Năm Du lịch Quốc gia 2022, tỉnh chọn chủ đề “Điểm đến du lịch xanh” nhằm giới thiệu cho bạn bè, du khách biết Quảng Nam không chỉ có di sản văn hóa, mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và nhiều địa phương khác trong nước để gắn kết, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam xanh đến với bạn bè quốc tế.
Tất cả các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 của tỉnh Quảng Nam đều dựa trên tiêu chí du lịch xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế, hạn chế tối đa phát thải, rác thải, quyết tâm đưa địa phương này sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước.
Đặc biệt, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã công bố tiêu chí du lịch xanh. Bộ Tiêu chí này được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) trên cơ sở tham khảo tiêu chí của 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững áp dụng trên phạm vi quốc tế. Bộ tiêu chí này đã được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, cũng như điều kiện kinh doanh thực tế tại Việt Nam, sau nhiều lần tham vấn ý kiến với đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch.
Các bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam bao gồm: Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho khách sạn; Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho khu nghỉ dưỡng; Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho doanh nghiệp lữ hành; Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm du lịch dựa vào cộng đồng; Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm tham quan.
Được biệt, ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh ở các cơ sở kinh doanh du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Quảng Nam cần thêm những sản phẩm du lịch xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh mang lại giá trị đích thực. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 10 – 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng đây là bộ tiêu chí đưa ra những quy định nghiêm khắc trong phát triển du lịch song hành với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Quảng Nam muốn tuyên truyền nội dung này không chỉ trên địa bàn tỉnh, mà còn thông qua các doanh nghiệp, địa phương khác trên cả nước, để cùng nhau hưởng ứng, xây dựng một môi trường du lịch vừa đảm bảo tính văn hóa, tính nhân văn, tính sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tính cộng đồng rất cao.
Cần tư duy phát triển bền vững
Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết: Tỉnh Quảng Nam đã đưa du lịch xanh vào chiến lược phát triển trong dài hạn, đồng thời triển khai nhiều biện pháp để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đánh giá tiêu chí du lịch xanh.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đã tích cực ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia du lịch xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng để giúp du lịch xanh ở Quảng Nam đạt được hiệu quả trong thời gian qua. Tỉnh cũng đang phổ biến tài liệu tập huấn, đánh giá thử nghiệm các cơ sở đăng kí tham gia chương trình, xây dựng điển hình tốt. Đây chính là bước đi thận trọng, cần thiết để phát triển du lịch xanh một cách bền vững.
Một website mang tên visitquangnam.com đã được xây dựng để quảng bá cho điểm đến Quảng Nam và còn có chuyên trang về trải nghiệm du lịch xanh (Green travel) với sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp nhằm phổ biến du lịch xanh ở địa phương.
Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cũng đã bàn bạc với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Quảng Nam để thành lập, xây dựng Quỹ phát triển du lịch cho Quảng Nam có sự chung tay của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn. Khi Quỹ ra đời chắc chắn việc triển khai du lịch xanh sẽ bền vững, lâu dài không chỉ trong năm 2022, mà còn trong những năm tiếp theo.
Việc phát triển du lịch xanh sẽ cần tư duy phát triển bền vững, có sự cam kết của tất cả các bên là cấu thành của ngành du lịch gồm cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý ở các địa phương, doanh nghiệp du lịch, người dân ở địa phương, khách du lịch. Do đó, có thể nói rằng du lịch xanh cần sự tham gia của cả cộng đồng người dân địa phương vì đây sẽ là đối tượng hưởng lợi, cam kết tham gia bảo vệ môi trường với ý nghĩa tài nguyên du lịch đảm bảo được sinh kế. Phát triển du lịch xanh chính là giúp cho cuộc sống của người dân địa phương được tốt hơn, bảo vệ tài nguyên du lịch cho thế hệ sau.
Quảng Nam đã thực hiện những bước đi đầu tiên để đưa ra bộ tiêu chí về du lịch xanh, các địa phương khác có thể rút kinh nghiệm về cách triển khai của tỉnh này. Toàn ngành du lịch cũng có thể triển khai bộ tiêu chí xanh dựa trên kinh nghiệm của Quảng Nam.
Ông Hoàng Nhân Chính khảng định, chắc chắn Việt Nam nên có một bộ tiêu chí du lịch xanh chung trên toàn quốc bởi du lịch xanh chính là nhu cầu của khách du lịch trong nước, quốc tế. Bộ tiêu chí này cần phải bao trùm cả hệ sinh thái du lịch xanh như Quảng Nam đã thực hiện để có thể hỗ trợ, giúp cho du lịch xanh ở Việt Nam phát triển lâu dài. Bộ tiêu chí này cần dễ hiểu, dễ dàng thực hiện để mọi đối tác liên quan như cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp dễ hành động theo những cam kết đã đưa ra để phát triển du lịch xanh ở các điểm đến. Các cơ quan liên quan cũng cần công bố và đưa ra những lợi ích mà du lịch xanh mang lại cho tất cả các bên, nhất là với người dân.
Để thực hiện tốt Bộ tiêu chí du lịch xanh cũng rất cần sự hợp tác công tư giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp triển khai du lịch, đó là cách đi đúng, vững chắc. Bên cạnh đó, cần có cơ quan đánh giá chuyên môn cao, độc lập, uy tín và đảm bảo sự minh bạch để đánh giá, giám sát, báo cáo kết quả, thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh ở từng địa phương. Việc đánh giá minh bạch sẽ xây dựng niềm tin cho tất cả các bên cùng tham gia thực hiện du lịch xanh. (Hết)
Thanh Giang – Hữu Trung