Du lịch xanh - xu hướng phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho đất nước

Du lịch xanh - xu hướng phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho đất nước
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Trong những năm qua, du lịch toàn cầu đã tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu về thu nhập ngoại tệ, giá trị xuất khẩu và tạo việc làm. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2030 sẽ có 1,8 tỷ khách đi du lịch trên toàn cầu. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất. Nhiều quốc gia khu vực này, trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút luồng khách trong thời gian tới.

Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.Trong những năm gần đây, ngành du lịch nhà đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng được bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á…
 
Du khách thưởng thức đặc sản của gian hàng du lịch Thanh Hóa tại hội chợ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
 Du khách thưởng thức đặc sản của gian hàng du lịch Thanh Hóa tại hội chợ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng nêu rõ: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sử dụng nhiều tài nguyên, nguồn lực để phát triển bao gồm cả tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đã có nhiều bài học, kinh nghiệm ở trong và ngoài nước liên quan đến sử dụng tài nguyên lãng phí, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch. Do đó, phát triển du lịch xanh đã trở thành nguyên tắc, xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận. Các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của du lịch Việt Nam đều hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng mong muốn các sáng kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Diễn đàn Du lịch xanh sẽ tạo sức sống mới cho ngành Du lịch, tìm ra hướng đi, cách làm hay, hiệu quả thiết thực để các giải pháp phát triển du lịch thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Khái niệm du lịch xanh vốn không còn xa lạ với các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn thiếu những diễn đàn trao đổi về vấn đề này. Diễn đàn Du lịch xanh tại hội chợ lần này được tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn của doanh nghiệp...
 
Các món ẩm thực Malaysia thu hút du khách tại hội chợ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Các món ẩm thực Malaysia thu hút du khách tại hội chợ.
Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Du lịch xanh góp phần phát triển bền vững.

Diễn đàn Du lịch xanh gồm hai phiên. Phiên 1, các đại biểu thảo luận về các vấn đề chung của du lịch xanh, trong đó nêu những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở một số nước và Việt Nam. Trong phiên tiếp theo, trọng tâm là chia sẻ bài học kinh nghiệm từ triển khai thực tế của các doanh nghiệp du lịch và người dân làm du lịch.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nêu ý kiến cho rằng: Để hướng tới du lịch xanh cần vượt qua các thách thức: Xả thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, quản lý rác thải, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý hiệu quả di sản văn hóa...

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sỏ lưu trú, đăng kí chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch  đặc biệt là về làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)... Nhận thức của du khách về du lịch xanh, du lịch bền vững đã được nâng cao nên sản phẩm du lịch xanh sẽ là xu thế để nâng cao sức cạnh tranh sắp tới cho doanh nghiệp...
Thanh Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm