Cây quế Trà My có tên khoa học là Cinnamomum obtusifolium Nees, với đặc điểm bề ngoài xù xì, nhiều vết loang địa y và rêu màu xanh xám bám. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Nằm ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, xã Trà Leng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây quế sinh trưởng và phát triển. Trên con đường dẫn vào xã có thể dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng quế hàng chục năm tuổi của người dân ở đây. Xã Trà Leng hiện có 722 ha diện tích đất trồng quế với thời gian từ 5- 20 năm tuổi và là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất của huyện Nam Trà My. Cây quế Trà My có tên khoa học là Cinnamomum obtusifolium Nees và từ lâu đã được người dân vùng cao nơi đây xem như một vị thuốc quý. Đặc điểm nhận biết bề ngoài của quế Trà My là có vẻ ngoài xù xì, nhiều vết loang địa y và rêu màu xanh xám bám. Xã Trà Leng có 546 hộ dân và hầu hết nhà nào ở đây cũng có một vài vườn quế. Đồng bào Mơ nông ở Trà Leng xem cây quế như một loại “cây thiêng” mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Một cánh rừng quế ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Theo già làng Hồ Văn Đề ở thôn 3, xã Trà Leng, từ bao đời nay người Mơ Nông ở đây vẫn giữ phong tục “trồng quế cho con”. Gia đình nào khi sinh con, bố mẹ sẽ trồng thêm một vườn quế làm của để dành, khi con cái lớn lên xây dựng gia đình sẽ cho con vườn quế đó để có vốn làm ăn. Nhờ nét văn hóa này nên người dân ở đây luôn tự hào về có những cánh rừng quế thơm ngát hiếm nơi nào có được. “Ngày trước, gia đình nào có nhiều vườn quế cổ thụ được xem như giàu nhất làng vì một cây quế lâu năm có đường kính bằng hai vòng tay người ôm có thể đổi lấy cả một con trâu to khỏe. Ngày nay, cũng nhờ cây quế mà người dân ở đây mới có tiền dựng nhà, nuôi con cái ăn học”, già làng Hồ Văn Đề chia sẻ. Quế Trà My là giống quế bản địa, có thời gian sinh trưởng lâu hơn so với những giống quế ở nơi khác, phải từ 10 năm trở lên mới cho khai thác vỏ cây. Gia đình anh Hồ Văn Biết ở thôn 3, xã Trà Leng có 2 ha trồng cây quế, với khoảng hơn 1.000 cây từ 5- 10 năm tuổi. Anh Hồ Văn Biết cho hay, người dân địa phương thường kết hợp đồng thời giữa khai thác và trồng mới để duy trì diện tích quế. Một cây quế trên 10 năm tuổi hiện nay khi thu hoạch có giá khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm vườn quế còn cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể từ việc tỉa cành và thu hái lá quế bán cho thương lái để sản xuất tinh dầu.
Người dân khai thác vỏ quế trên 10 năm tuổi. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN |
Trong mỗi vườn quế ở Trà Leng, người dân đều giữ lại một vài cây quế cổ thụ với mục đích lấy hạt, ươm thành cây con để bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa. Nguồn quế giống ở đây còn được huyện Nam Trà My lựa chọn cung cấp cho người dân các xã khác trồng nhân rộng để phát triển kinh tế. Nhiều đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã về xã Trà Leng để khảo sát, nghiên cứu về chất lượng giống quế ở đây, đồng thời tư vấn hỗ trợ người dân bảo tồn nguồn gen quý, tránh lai tạp với các giống quế từ nơi khác. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ ở khu vực miền núi Trà My.
Cây quế Trà My có thời gian sinh trưởng từ 10 năm trở lên mới cho khai thác vỏ. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Cây quế ở Trà Leng một năm cho thu hoạch 2 vụ từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 11. Trung bình mỗi năm xã Trà Leng khai thác được từ 120- 150 tấn quế vỏ, với giá trị từ 6- 7 tỷ đồng. Sản phẩm quế vỏ chủ yếu được thương lái tới thu mua tận vườn của người dân. Thời gian gần đây, huyện Nam Trà My cũng hỗ trợ người dân trồng quế quảng bá sản phẩm tại hội chợ sâm hàng tháng do huyện tổ chức, qua đó giới thiệu rộng rãi hơn nữa đặc sản “Cao sơn ngọc quế” của địa phương ra thị trường.
Vỏ quế sau khi khai thác sẽ được phơi khô để bán cho thương lái. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường cho biết, địa phương xác định cây quế là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế hộ, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, xã đang đăng ký với huyện lựa chọn sản phẩm này để tham gia Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Đến năm 2020, xã phấn đấu nâng tổng diện tích trồng quế lên 1.172 ha, trong đó sẽ tập trung xây dựng một vườn cây giống đạt tiêu chuẩn, phối hợp với các nhà khoa học mở các lớp tập huấn kiến thức mới về chăm sóc, khai thác, phòng trừ sâu bệnh, chế biến, bảo quản sản phẩm quế…
Đỗ Trưởng