Các nhà khoa học của trường Đại học Curtin (Australia) mới đây đã khám phá được vai trò của Mặt Trời trong việc hình thành nước trên Trái Đất.
Bề mặt Trái Đất được bao phủ 70% là nước nhưng nguồn gốc của nước trên hành tinh này là vấn đề các nhà khoa học tranh luận từ lâu. Giả thiết phổ biến nhất là nước đến từ các sao chổi, hay thiên thạch bên ngoài hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu kiêm Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ vũ trụ của Đại học Curtin, Giáo sư Phil Bland cho biết việc phân tích các giả thiết hiện nay đã không đem lại kết quả trùng khớp với bản chất của nước trên Trái Đất. Điều này đã tạo động lực cho các nhóm nghiên cứu quốc tế tích cực tìm kiếm lời giải.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ion hydro do Mặt Trời sinh ra đã theo gió Mặt Trời bay tới các tiểu hành tinh, trước khi va vào Trái Đất và biến thành nước. Phân tích cho thấy gió Mặt Trời đã tạo ra nước trên bề mặt các hạt bụi siêu nhỏ và lượng nước này nhiều khả năng chính là nguồn gốc của nước trên Trái Đất. Các kết quả mới nhất đến từ việc phân tích các tiểu hành tinh gần Trái Đất, sử dụng các mẫu vật do tàu thăm dò Hayabusa của Nhật Bản thu thập cách đây một thập kỷ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những mẫu vật này chứa một lượng nước lớn, với tỷ lệ tương đương khi nhân lên là 20l cho mỗi m3 đá. Khám phá này đã giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự sống trên Trái Đất, khi nước đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển và sự sống của hành tinh này.
Người đứng đầu nhóm tác giả, Tiến sĩ Luke Daly của Đại học Glasgow nhận định nghiên cứu sẽ mở ra triển vọng cho ngành du lịch ngoài không gian. Việc làm sao để các phi hành gia có thể tồn tại ngoài không gian mà không cần mang theo nước đang là một trong những rào cản đối với việc du hành vũ trụ trong tương lai. Với nghiên cứu mới nhất, các phi hành gia có khả năng sẽ xử lý được nguồn nước từ lớp bụi trên bề mặt hành tinh, tương tự như của Mặt Trăng.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Thiên văn tự nhiên số ra ngày 29/11.
Đặng Ánh